More

    Tôma Trần Văn Thiện (1820 – 1838)

    Tôma Trần Văn ThiệnTôma Trần Văn Thiện, chủng sinh, thầy giảng; sanh 1820 tại Trung Quán, Quảng Bình; chết 21 tháng 9, 1838, tại Nhan Biều. Ngài thụ huấn với Hội Thừa Sai Balê, và đang chuan bị để được thụ phong linh mục vào lúc bị bắt. Sau khi bị đánh, ngài bị xử giảo (thắt cổ) chết lúc mới có 18 tuổi. Phong Á Thánh 1900. Lễ kính vào ngày 21/09.

    Tuổi trẻ hào hùng

    Trong một phiên tòa năm 1836, viên quan án xúc động trước người tù trẻ tuổi với dáng dấp thư sinh nho nhã, khuân mặt khôi ngô tuấn tú, hứa hẹn một tương lai sán lạn, ông nói với anh thật dịu dàng : “Nếu con bỏ đạo, ta sẽ gả con gái cho, và sẽ lo liệu cho con làm quan”.

    Chàng thanh niển trẻ tuổi ấy, anh Tôma Trần Văn Thiện đã thẳng thắn trả lời : “Tôi chỉ mong chức quyền trên trời, chứ không màng chi danh vọng trần thế”.

    Tuy mới 18 xuân xanh, lứa tuổi yêu đời ham sống, chưa nếm mùi khổ đau cuộc đời, cũng chưa được học tập thâm sâu về giáo lý, anh Tôma Thiện mới vừa tới ngưỡng cửa chủng viện, đã ứng phó khéo léo trước bạo lực, đâu thua kém gì bất cứ chiến sĩ đức tin nào khác trên hoàn cầu. Quả thực, anh đã anh đã thấu hiểu lời đức Kitô : “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì có ích gì” (Mt.16,26).

    Con muốn “ở chú” với cha không ?

    “Chú Thiện” như người đương thời quen gọi các chủng sinh, sinh năm 1820 trong một gia đình đạo hạnh làng Trung Quán, tỉnh Quảng Bình.

    Nữ tu Madalena Yến, một nhân chứng sống cùng thời thuật lại rằng : “Chú Thiện có một người dì, gọi là dì Nghị, làm bà nhất nhà phước Trung Quán. Chú thường lui tới thăm dì và tỏ ra rất ngoan ngoãn, nhu mì, lễ phép. Khi linh mục đến dâng lễ ở họ nhà, chú quỳ dự lễ cách nghiêm trang. Lên tám, chín tuổi, chú bắt đầu học chữ Nho, tỏ ra thông minh bền chí và tiến bộ rất nhanh.

    “Có lần chú theo dì Nghị đi lễ ở họ Mỹ Lương, sau lễ vào chào các linh mục. Các cha thấy cậu bé khôi ngô, hiền lành đều hỏi : Con có muốn ở chú (đi tu) với cha không ? Cậu Tôma Thiện không thưa gì. Nhưng, chỉ ít lâu sau, người ta thấy chú thường xuyên ở nhà cha Chính, họ Kẻ Sen. Vị linh mục này đã dạy tiếng Latinh cho chú nhiều năm…”

    Hãy nhìn xem máu tôi chảy ra kìa

    Nhờ tính tình tốt lành và trí thông minh, năm 18 tuổi (1838), chú Thiện được cha giám đốc Candalh Kim gọi về chủng viện Di Loan, Quảng Trị. Nhận được tin, chú Thiện cùng với người chị tên Sao hăng hái lên đường. Dọc đường hai chị em gặp nữ tu Yến từ Di Loan về cho biết cha bề trên Candalh Kim đã phải trốn và quân lính đang lùng bắt, rồi khuyên hai chị em đừng đi nữa, nhưng chú Thiện tỏ ra cương quyết : “Dầu không gặp cha Bề Trên, con cũng phải đến tận nơi để biết rõ sự thể. Cha đã gọi, không lẽ chưa đến nơi đã bỏ về”.

    Tới chủng viện, hai chị em trình diện với cha Tự. Ngài nói : “Chúng tôi lo trốn chưa xong mà chị còn dẫn em đến, chỉ làm khó khăn thêm cho chúng tôi thôi”. Chị Sao đáp: “Thưa cha, em con nhờ con dẫn đi, vì có giấy cha Bề trên gọi. Chúng con không biết cuộc bắt đạo lại xảy ra bất ngờ như thế”.

    Hai ngày sau, quân lính bao vây làng Di Loan, lục soát từng nhà. Không tìm thấy cha Kim, nên truyền tra hỏi cặn kẽ để biết cha Bề trên trốn ở đâu. Quan khuyên chú chối đạo, nếu không sẽ bị chết. Chú Thiện thành thật trả lời: “Tôi quê ở Trung Quán, Quảng Bình, đến tìm thày học đạo. Đạo dạy tôi tờ Thiên Chúa là đạo thật, tôi sẵn sàng chịu chết chứ không bỏ đạo”.

    Quan tỏ ra khoan nhượng khuyên dụ chú Thiện nhiều lần : nào là tuổi còn nhỏ, tương lai còn nhiều triển vọng, nào là sẽ thăng quan tiến chức nếu bỏ đạo. Hơn thế nũa, quan còn muốn nhận chú làm con rể mình, và sẽ đứng ra lo liệu cưới xin. Nhưng chú Thiện đã từ chối: “Tôi chỉ mong chức quyền trên trời, chứ không màng đến quyền chức trần thế.

    Lời khẳng khái ấy không phải ai cũng thốt ra được. Trong số những người bị bắt, nhiều người tỏ vẻ luyến tiếc cho chú đã bỏ lỡ một “cơ hội ngàn vàng”. Chàng trai có dáng vóc thư sinh nhưng chí khí thật kiên cường, khiến quan phải ngạc nhiên. Từ ngạc nhiên đến tức giận, vì dám xúc phạm đến sự “bao dung” và lòng “ưu ái” của mình, thế là ông truyền đánh đòn chàng. 40 roi đòn quất trên thân thể gầy yếu, máu chảy thấm qua y phục, nhưng vị chứng nhân không lay chuyển, vẫn gan dạ mỉm cười nói : “Hãy nhìn xem máu tôi chảy ra kìa”.

    Thấy chú cam đảm hơn người, quan truyền đóng gông xiềng giam chú Thiện vào ngục.

    Trong ngục thất, Tôma Thiện không có bà con thân thích nào đến chăm nom tiếp tế. Các giáo hữu Di Loan cũng bị bắt, lúc đầu con chia sẻ cho chú đôi chút lương thực, nhưng sau họ không cho gì nữa. Họ đã nghe quan dụ dỗ để mong trở về với gia đình. Tuy thế quan vẫn chưa thả họ ngay. Vì muốn chú Thiện cũng phải khuất phục, quan dùng những kẻ nhẹ này gây áp lực, nhưng Tôma Thiện trước sau vẫn một mực trung thành với đức tin.

    Chú Thiện tiếp tục bị thẩm vấn và bị đánh đòn hai lần nữa, nhưng chú vẫn vui vẻ lãnh nhận. Mỗi lần roi quất xuống, chú lại cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thêm sức cho con chịu đau khổ vì Chúa”. Ngoài ra chú còn bị phơi nắng và bị kìm kẹp, nhưng vị anh hùng trẻ tuổi vẫn không sờn lòng, chứng tỏ một nghị lực phi thường và một đức tin hiếm có.

    Đồng khổ, đồng vinh

    Sau khi bất lực trước ý trí sắt đá của Tôma Thiện, quan truyền giam chú chung với cha Jaccard Phan. Hai cha con gặp nhau vui mừng hết sức. Chú Thiện được cha an ủi, khích lệ và ban bí tích hòa giải. Riêng cha Phan thì sung sướng hãnh diện có một người con tinh thần dũng cảm trong đức tin. Hai cha con cùng nhau cầu nguyện, nâng đỡ trợ gíup lẫn nhau và quyết chí trung thành với đạo đến cùng.

    Trước tinh thần bất khuất của hai chứng nhân Chúa Kitô, quan quyết định lên án xử trảm cả hai. Bản án chú Thiện như sau : “Tên Thiện bị mê hoặc theo Gia Tô, dầu bị tra tấn cũng không bỏ đạo, nên nó phải chết giống như đạo trưởng của nó”.

    Bản án gởi về kinh đô. Gần một tháng sau vua Minh Mạng mới châu phê và đổi thành án xử giảo. Có lúc nóng lòng trờ đợi, chú Thiện thưa với cha Phan : “Thưa cha, người ta cứ để cha con ta sống lâu mãi, sao không sớm cho cha con ta được tử đạo, để được kết hiệp cùng Chúa muôn đời”. Chú cũng viết thư về gia đình vĩnh biệt cha mẹ, họ hàng, và khuyên mọi người trung thành giữ vững đức tin.

    Sáng ngày 21.9.1838, hai cha con chứng nhân Chúa Kitô cùng được dẫn ra pháp trường ở làng Nhan Biều gần Quảng trị. Khi đi qua một quán ăn, viên đội chỉ huy cho hai vị dừng chân, ăn uống theo thói quen dành cho tử tội. Cha Phan không dùng gì cả, chú Thiện thưa với cha: “Con cũng không ăn, để về dự tiệc Thiên Đường vĩnh phúc, phải không cha?” Tới nơi xử, chú Tôma Thiện quỳ xuống trước mặt cha, lính tháo gông, tròng dây vào cổ. Lệnh xử ban hành, họ kéo hai dầu dây thật mạnh, dầu vị tử đạo 18 xuân xanh gục xuống. Sau đó, đến lượt cha Phan cũng bị xử như vậy.

    Khác với các tử đạo trước, cuộc hành quyết này không có giáo hữu đi theo để xin an táng. Những người ngoại đã chôn cất hai vị ngay ở pháp trường. Năm 1847 thi hài vị tử đạo được cải táng về tôn vinh tại chủng viện Hội Thừa Sai Paris.

    Ngày 27.05.1900 Đức Lêo XIII đã suy tôn chủng sinh Tôma Trần Văn Thiện lên bậc Chân Phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh.

    Nguồn từ thư viện Đa Minh

    Trường thi tử đạo
    Chủng sinh Tôma Trần Văn Thiện
    Năm Canh Thìn (1820) hiện diện Quảng Bình
    Một hôm đi lễ thình lình
    Vào cha thăm hỏi nghĩa tình thân quen

    Cha xứ bảo cậu em ở lại
    Ði nhà thờ khỏi ngại đường xa
    Thường xuyên qua lại thăm cha
    Mẹ cha thuận, cậu đà ở luôn

    Cha Chỉnh dạy vào khuôn vào phép
    Học Latinh cậu ghép được ngay
    Tôma Thiện tính tốt thay
    Cha Kim cho gọi, cậu này chủng sinh

    Tôma Thiện thông minh ơn gọi
    Dọc đường đi nghe nói vắng cha
    Lính vây tìm bắt người mà
    Cậu Thiện quả quyết, phải là tới nơi

    Gặp Cha Tự ngài thời cho biết
    Ðang khó khăn tạm biệt vắng nhà
    Cậu Thiện nói có giấy cha
    Xin thì thông cảm, xảy ra bất ngờ

    Cậu hãy về để chờ lệnh mới
    Lúc bấy giờ cậu tới chẳng sao
    Dĩ Loan lính tới tràn vào
    Từng nhà lục soát, ai nào thoát thân

    Trong số đó có phần cậu Thiện
    Giải Quảng Trị trình diện với quan
    Vấn tra cậu Thiện rõ ràng
    Chủng sinh hiểu biết, khai man ăn đòn

    Thiện chững chạc tôi còn đi học
    Quê thực Trung Quán, gốc Quảng Bình
    Tôn thờ một Chúa uy linh
    Sẵn sàng chịu chết, trọn tình Giêsu

    Quan khoan nhượng khuyên dụ chú Thiện
    Tuổi xuân xanh thể hiện tài năng
    Thăng quan tiến chức ta thăng
    Chỉ cần xuất giáo, quan nâng đỡ liền

    Nhưng chú Thiện đã liền từ chối
    Tôi chẳng màng u tối trần gian
    Chỉ mong hạnh phúc Thiên Ðàng
    Giầu sang phú quý, bạc vàng chẳng mê

    Quan bỡ ngỡ nóng ghê tức giận
    Cho lính đánh một trận nhừ đòn
    Chú Thiện gầy ốm héo hon
    Máu tuôn thấm áo, như son đỏ lòm

    Quan thấy Thiện nhỏ con can đảm
    Truyền đóng gông tống khám ngồi tù
    Tôma Thiện Chúa hộ phù
    Họ hàng thân thích, sợ thù chẳng thăm

    Giáo hữu Di Loan nằm chung khám
    Cũng sẻ chia phân tán cho thầy
    Lâu ngày tiếp tế nơi đây
    Dần dà cũng cạn, bụng thầy đói meo

    Quan thẩm vấn, đòn theo lần nữa
    Bắt xuất giáo đoan hứa tuân hành
    Thầy Thiện Thiên Chúa vinh danh
    Xin Cha thêm sức, trung thành chứng nhân

    Cho phơi nắng nặng phần kìm kẹp
    Thầy nguyện xin cho đẹp ý Cha
    Quan trấn tức giận quá mà
    Lệnh truyền xử giảo, đưa ra pháp trường

    Cuộc hành quyết người lương tham đự
    Không giáo dân như xử trước đây
    Lương dân chôn cất cho thầy
    Pháp trường an táng, tràn đầy hồng ân

    Phúc tử đạo Thanh Xuân Mậu Tuất (1838)
    Chúa quan phòng chẳng mất đi đâu
    Roma Toà Thánh không lâu
    Suy tôn Canh Tý (1900) lên chầu Thiên nhan

    Lời bất hủ: Quan khuyên thầy Thiện hãy bỏ đạo, nếu không sẽ bị chết, thầy trả lời: “Tôi quê ở Trung Quán, Quảng Bình đến tìm thầy học đạo. Ðạo dạy tôi thờ Thiên Chúa là đạo thật, tôi sẵn sàng chết chứ không bỏ đạo”.

    Hot Topics

    Related Articles