More

    Luca Vũ Bá Loan (1756-1840)

    Luca Vũ Bá Loan, Sinh năm 1756 tại Trại Bút, Phú Ða, Linh mục, bị xử trảm ngày 5/06/1840 Ô Cầu Giấy dưới đời vua Minh Mạng. Đức Lêo XIII suy tôn cha Luca Vũ Bá Loan lên bậc Chân Phước ngày 27.05.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh. Lễ kính vào ngày 5/06.

    Luca Vũ Bá Loan

    Ðức Cha Jeantet (Khiêm) nói về linh mục Loan: “Sau khi xem xét những việc Cha Loan đã làm từ khi chịu chức linh mục cho đến khi tử đạo, tôi tin chắc rằng không có linh mục Việt Nam nào có thể sánh được với ngài. Thật vậy, suốt đời tận tụy lo việc thiêng liêng cho giáo dân, lúc 84 tuổi cha còn dâng mạng sống mình làm chứng đạo thánh Chúa”.

    xem thêm: Danh sách 118 Vị Tử Đạo Việt Nam

    Cha sinh năm 1756 tại làng Bút Quai (Bút Thượng) thuộc xứ Bái Vàng. Không ai còn nhớ được cha mẹ và tuổi thiếu thời của cha, chỉ biết rằng ngài học thần học ở Sở Yên Duyên gần Thăng Long. Ngài được thụ phong linh mục dưới thời Tây Sơn, sau đó làm phó xứ Nam Xang sáu tháng, xứ Song Nương mười năm, và xứ Kẻ Vồi giúp Cha Liêm đến năm Ðức Cha Longer chia xứ đặt Cha Loan làm chính xứ Kẻ Sở, cho đến khi bị bắt. Lúc 84 tuổi theo lời khai của Cha Loan thì ngài học với Ðức Cha Longer (Gia) ở Phú Ða và Ðông Bao (Kẻ Bèo).

    Theo chứng từ của Cha Luca Triệu, ở với Cha Loan từ bé, thì Cha Loan luôn ngước mắt lên trời khi đọc kinh cầu nguyện, không để ý gì đến người hay sự việc chung quanh. Sau thánh lễ ngài thường cám ơn lâu giờ, có chú nào đến quạt hay không, người không bao giờ để ý chú đến và đi lúc nào. Áo quần của cha rất đơn sơ, dù cũ kĩ rách nát ngài cũng không muốn thay cái mới. Ngài thường nói: “Bao lâu còn mặc được thì còn dùng được không cần gì mà phải bỏ đi”.

    Ngài dâng lễ rất khoan thai chậm rãi, các thầy có kêu ca thì ngài đáp: “Chúng ta là những tôi tớ của Chúa dưới thế trần nàỵ Có việc nào cấp bách mà các con phải hối thúc cha làm lễ nhanh? Thánh lễ Misa là của lễ cao qúi và lớn lao nhất vì thế chúng ta phải dâng với tất cả sự xứng đáng”.

    Mỗi ngày ngài có một thứ công việc tay chân để làm. Tính ngài rất dịu dàng, không bao giờ la mắng người giúp việc dù bé nhỏ. Ngài ăn chay và bắt mọi người trong nhà cũng ăn chay mỗi thứ Sáu quanh năm, sau lễ ngài hỏi han các người trong nhà cách thức nguyện ngắm và khuyên nhủ về cách sống, đặc biệt là nhân đức trong sạch.

    Vẫn theo chứng từ của Cha Triệu, Cha Loan rất khiêm nhường. Khi được chỉ định làm cha sở ngài đã lên xin dức cha ba lần để chỉ cha khác thay, ngài nói: “Con chưa biết coi sóc chính con, làm sao con dẫn dắt người khác”.

    Vì thế ngài giao mọi việc cho thầy cai và chỉ lo lắng đến việc thiêng liêng cho người nhà và giáo dân. Ngài không biết đồ dùng có những gì, nhưng mỗi ngày thứ Bẩy ngài bắt cả nhà phải lau chùi xếp đặt cho có thứ tự. Khi ngài có cha phó thì ngài nói với các đấng: “Tôi đã già lão, tôi xin nhường lại mọi sự cho cụ coi sóc như cụ chính vậy, mọi người nhà và cả tôi nữa thì cũng thuộc về cụ”.

    Cha Triệu còn làm chứng rằng ngài dậy dỗ người nhà rất cẩn thận, cấm đàn bà vào trong nhà xứ cũng như cấm người nhà Ðức Chúa Trời ăn trầu do các cô mời. Mỗi tháng đọc luật nhà một lần, mỗi năm cấm phòng một lần. Con cái cha có tới mười người làm cụ. Với giáo dân ngài nhiệt thành lo phần rỗi cho họ, quanh năm đi làm tuần đại phúc, chăm chỉ giảng dậy trong các thánh lễ, hỏi han từng nhà xem họ có đọc các kinh và lần hạt không. Thầy già Micae Lê Văn Toàn, ở với cha mười sáu năm, kể lại là ngài thường ví mình như con chó của Chúa, phải la lên phải sủa không ngừng hay ví mình như con gà của Chúa cúc rúc gọi đàn con. Ngài thường nói: “Các tín hữu là con cái tôi, lại không biết nghe lời tôi bảo ban họ sao?”

    Ngài đặc biệt chú trọng việc dậy giáo lý cho trẻ em, khuyên bảo người khô khan tội lỗi trở lại.

    Về lòng nhiệt thành giúp linh hồn người ta, Cha Gauthier còn kể lại một tích này: “Một lần ngài mắc bệnh phải nằm liệt trong giường nhưng khi nghe có một người trong xứ bị bệnh thổ tả, ngài chỗi dậy đi giúp họ ngay tức thì. Người nhà ngăn cản: – ‘Nhưng mà cha đứng không nổi làm sao đi được?’ – ‘Vậy các con hãy khiêng cha đi.’

    Tới nhà bệnh nhân thì ngài bất tỉnh khoảng một tiếng. Khi tỉnh lại ngài hỏi ngay xem người bệnh còn sống không. Biết là còn sống ngài liền bảo họ đem bệnh nhân đến gần để ngài ban phép sau cùng cho người sắp chết”.

    Ngày 10-1-1840 đang khi Cha Loan ngồi tại nhà ở Kẻ Chuông để chờ Cha Phái đến giải tội vì ngài vừa mới cấm phòng năm xong, bá hộ Khang và ký lục Cường vào nhà xứ lấy lý do đến thăm người bạn học cũ. Cha Loan pha trà mời họ uống. Sau đó họ mời cha xuống thuyền để về Kẻ Bún là làng của Bá Khang. Giáo dân biết là cha bị bắt nhưng không có cách nào đánh tháo được. Giáo dân xin chuộc nhưng Bá Khang đòi hai nghìn quan trong khi đó Ký Cường không muốn tha, vì có ý bắt nộp ngài để chuộc tội với quan. Cha Loan thấy tốn nhiều tiền mà dân chúng lại nghèo nên nói với họ là không có tiền. Họ bắt Thầy Hạnh đi theo và giữ ở nhà Bá Khang ba ngày, tiếp đãi rất tử tế. Một việc lạ xảy ra là khi Bá Khang thấy có khăn thánh trắng sạch lại có hồ cứng mới bảo đầy tớ đem ra bể giặt để ông dùng làm khăn tay. Khi đầy tớ vừa nhúng xuống nước thì bể xây bằng gạch tự nhiên vỡ ra gây một tiếng nổ lớn.

    Bá Khang giải Cha Loan lên huyện Phú Xuyên nhưng quan huyện không muốn nhận việc, Bá Khang và Ký Cường lại dẫn giải Cha Loan lên phủ ở tỉnh Hà Nội. Sau khi hành quyết Cha Loan, Micae Lê Văn Toàn, là người theo giúp cha, đã bỏ tiền mua nơi Ký Cường bản sao tờ án. Nội dung bản tường trình của quan Phủ và quan án Quang như sau: “Ký Cường là quan bát phẩm có tội đã xin được tha tạm đi dọ thám và bắt những kẻ bất lương để chuộc tội. Bá Khang, chủ tiệm Quang Kí ở đường Velieri, đã giết vợ và bị kết án giảo giam hậu cũng đã xin được tự do để đi bắt những người có tội lập công. Ngày mùng 5, Minh Mệnh nguyên niên thứ 20, hai người này đến tổng Thịnh Ðức, huyện Phú Xuyên tình cờ bắt gặp một ông lão già ở ngoài đường có mang một gói đồ. Khi hỏi tên tuổi ông lại bỏ chạy nên đã bị bắt giữ. Ông không chịu khai gói đồ bên trong có những gì nên hai người nói trên đã mở gói đồ ra và thấy có nhiều đồ đạo: năm cuốn sách chữ Âu, một lá thơ, một bộ áo và một thánh giá. Lúc đó ông lão già mới khai gói đồ thuộc về mình: ‘Tôi người làng Trại Bụt theo học đạo tại Phú Ða với đạo trưởng Gia, sau đó lại học ở Ðông Bao và được đạo trưởng Gia cho làm đạo trưởng. Trước khi bắt đạo, tôi đi đây đó dậy đạo, bây giờ không còn nhớ tên những nơi nào nữa. Từ khi vua cấm ngặt không còn ai tiếp chứa tôi nữa, tôi phải đi trốn ở các chùa, quán. Lần này tôi không may bị các ông bắt, tôi xin nộp mình’.

    Ngày 11-12, Minh Mệnh nguyên niên thứ 20, ký lục Cường, chủ tiệm Quang Kí và cai tổng Thịnh Ðức tên là Phạm Bá Chấn đã giao nộp đạo trưởng Vũ Bá Loan ra công đường nhưng tên này vẫn một mực không chịu đạp ảnh, lại còn xin được chém đầu ngay. Chúng tôi xét là luật quốc gia nghiêm ngặt và người này không hề muốn đạp ảnh thì phải khép án chém đầu tức khắc. Mặc dù tên này đã ngoài 70 nhưng chính hắn đã xin như vậy, nên chúng tôi thuận theo. Chúng tôi xin thỉnh ý đại quan Bộ Hình cho ý kiến để chúng tôi thi hành”.

    Bản tường trình của quan dĩ nhiên có nhiều chi tiết không hoàn toàn đúng với sự thật. Cha Loan bị tra vấn cả thảy hai lần: Lần đầu vào ngày 11-12 âm lịch, và lần thứ hai một tuần lễ sau. Theo chính lời Cha Loan kể lại với Thầy Toán khi họ hỏi về quê quán của cha thì cha đã trả lời giống như bản tường trình. Trong cả hai lần quan tuần và quan án đều ép buộc cha đạp ảnh. Quan nói: “Ông đã già lão, nếu muốn sống thì hãy mau đạp ảnh, bằng không thì sẽ phải giam tù và chịu hành quyết nữa”.

    Cha Loan đáp: “Vâng tôi đã già, nhưng đó không phải là lý do để muốn sống thêm, tôi cũng không muốn đạp ảnh Chúa tôi dưới chân. Nếu các quan thương, tôi rất biết ơn, trái lại nếu các quan muốn lên án tử, tôi sẵn sàng và còn vui lòng nữa”.

    Trong lần thứ hai, quan còn hỏi đến các lẽ đạo. Cha Loan đã cắt nghĩa cho quan là con người phải thờ lạy và yêu mến Thiên Chúa, trọng kính vua, quan, và thảo kính cha mẹ. Có lần quan hỏi: “Ông là người sinh ra ở nước này và có lệnh vua cấm đạo Kitô, sao ông lại không vâng lời còn đi truyền đạo ngoại lai để rồi vua sẽ trừng phạt với án xử tử?”

    Cha Loan đáp: “Tôi là một người Kitô. Trong bất cứ thời buổi nào tôi cũng thờ kính Chúa tôi mà cả trời và đất này phải tùng phục. Ðó là đức tin ghi sâu trong tâm khảm. Nếu vua quan truyền lệnh gì hợp với lẽ phải, tôi sẽ vâng lời ngay, còn những điều gì nghịch lại với Chúa tôi, tôi thà chịu chém đầu còn hơn là nói một lời chống lại Ngài”.

    Trước khi mang ra pháp trường hành quyết, quan còn dụ dỗ cha bước qua ảnh thánh giá nhưng ngài đáp: “Tôi vui mừng vì tôi mong mỏi ngày giờ này đã từ lâu. Không những tôi vui mừng giờ đã đến mà suốt đêm vừa qua tôi đã cảm thấy sự sung sướng và tràn đầy nghị lực”.

    Ðời sống trong tù ở Hà Nội tương đối dễ thở hơn những nhà tù ở Ninh Bình và Nam Ðịnh. Hơn nữa Cha Loan được mọi người thương nên không hề bị đánh đập lần nào. Ban đầu cha phải đeo gông bằng gỗ xoan hơi nặng, nhưng nhờ các thầy đút tiền, về sau cha không phải đeo gông nữa, chỉ có ba đêm cha bị cùm chân. Chính quan án xuống nhà giam gặp cha và khi thấy ngài đứng lên lạy chào, quan án phải vội xin ngài đừng có lạy chào ông, và truyền cho quân lính phải lễ độ với ngài. Ngài cũng xin quan án trả lại cuốn sách lễ để đọc các bài đọc hàng ngàỵ

    Ở trong tù ngài rất siêng năng đọc kinh. Ai đến thăm lúc ngài đang đọc kinh cũng phải chờ, có khi nửa giờ. Sau khi hỏi han những việc ở ngoài, Cha Loan thường khuyên họ chịu khó đọc kinh sáng tối. Ngài nói với Thầy giảng Toán: “Thiên Chúa nhân lành đã ban cho cha niềm vui vô cùng lớn lao, đã cho cha được ơn chết lành. Phần con, hãy ráng sức mà trung thành với đạo thánh, để cũng được chết tốt lành”.

    Giáo dân có mang cơm nước hay bánh trái cho ngài, ngài đều chia cho các bạn tù và lính canh. Giáo dân mến ngài, muốn có kỉ vật của ngài để lưu giữ sau này, đã may quần áo cho ngài mặc, rồi khi ngài tử đạo họ giữ lại làm của gia bảo trong nhà. Có nhiều họ đạo cử người đến xin ngài cho phép họ đạo của mình được lĩnh xác về chôn cất trong họ đạo nếu sau này ngài chết, nhưng ngài thường bảo họ: “Xác cụ là đất, là vật hèn, lúc chết rồi thì tanh hôi chỉ làm mồi cho ruồi bọ còn xin làm gì?”

    Dân làng Chuông Trung cũng đến xin ngài: “Các bậc huynh thứ trong làng cậy con xin với cụ: Dù hôi hám mặc lòng làng cũng xin rước về”.

    Họ may mắn được Cha Loan đồng ý và ký vào giấy khiến các họ khác phải ghen tuông. Hồi cuối tháng Hai, Cha Loan bị ốm và chân xưng lên, quan coi ngục đã trình với quan án cho phép một người thuộc họ Chuông Trung được thường xuyên ở trong tù săn sóc cho cha.

    Cha Loan ở trong tù được 5 tháng thì án của ngài được bộ và vua châu phê. Ðêm thứ Năm rạng ngày thứ Sáu, Cha Loan không ngủ, mắt ngước lên trời cầu nguyện. Lúc gà gáy, một tên lính đến báo cho ngài biết án tử của ngài đã về tới tỉnh. Ngài nói với người săn sóc: “Hôm nay cha sẽ không ăn gì hết, thức ăn không còn giúp gì cho thân xác sắp sửa làm mồi cho sâu bọ nữa. Cha ăn chay để lấy sức thiêng liêng chuẩn bị đón nhận niềm hạnh phúc cha mong chờ đã từ lâu”.

    Thầy Huệ kể lại chiều hôm sau Cha Loan bảo làm một hộp trầu mời các lính canh để cám ơn họ. Tới lúc ra pháp trường ông cai đội xin cặp kính cha đang đeo, ngài lấy ra trao cho ông ngay. Ðể tỏ lòng kính trọng Cha Loan, quan có nhiệm vụ giám sát không dám cỡi ngựa mà chỉ bắt lính dắt theo sau. Ông còn truyền quân lính khiêng cha trên võng, hai bên có lính cầm quạt che. Tới nơi xử là Ô Cầu Giấy, quan bảo lựa một chỗ sạch sẽ rồi cho giáo dân trải chiếu mới trên một mô đất. Có rất đông giáo dân và lương dân đến chứng kiến. Quan giám sát để cha tự do chuẩn bị. Cha quì gối cầu nguyện nửa giờ. Lý hình trói tay cha và buộc vào cọc đàng sau. Mười tên lý hình được lệnh thi hành đã trốn đi mất, quan phải bắt một người miền Nam tên là Minh làm nhiệm vụ. Tên này cúi đầu thưa Cha Loan: “Thưa cha, con bị cưỡng ép làm theo lệnh vua, con sẽ ráng hết sức chém cho ngon ngọt, và khi cha về trời xin cha cầu nguyện cho con”.

    Sau một lát gươm, đầu cha rơi xuống, giáo dân chạy vội vào lấy khăn vải hứng máu để máu khỏi rơi xuống đất. Họ còn lấy mọi sợi cỏ đem về. Hôm ấy là ngày 5-6-1840.

    Giáo dân Chuông Trung đã chuẩn bị sẵn sàng đưa xác cha về an táng. Trước hết giáo dân ở tỉnh đem về Kẻ Sét để khâu đầu ngài lại và tẩm liệm, rồi có phường nhạc bát âm đưa xác ngài đến đầu làng Chuông Trung. Họ Chuông Thượng định cướp xác nhưng không được. Xác ngài được chôn trong nhà thờ Chuông Trung, gian thứ nhất.

    Sau này có một người mù tên là Tôma Nguyễn Văn Hà đã quả quyết là mình được khỏi mù do sự bầu cử của Cha Loan. Khi Ðức Cha Retord đi kinh lý đến làng Kẻ Lương, bạn bè đến khuyên bảo người mù: “Từ lâu ông không có giữ đạo, nhưng nhân dịp có đức cha về Kẻ Lương ông đi với chúng tôi đến gặp ngài để xin phép lành và may ra trừ khỏi được bệnh này”.

    Khi gặp đức cha, ngài cũng nói với ông là chỉ có thuốc thiêng liêng mới chữa lành được. Ông nghe lời xin xưng tội rồi dự lễ và rước lễ. Sau đó đức cha còn dặn ông về nhà làm việc lành kính Cha Loan, đọc kinh Lạy Nữ Vương, kinh Thiên Thần Bản Mệnh, kinh Lạy Cha và 5 kinh Kính Mừng. Về nhà ông đọc kinh như đức cha đã chỉ, lúc thì tại mộ của Cha Loan, lúc thì ở trong nhà. Năm ngày sau đức cha khởi công xây nhà thờ, người ta bảo ông ra trông coi việc xây cất. Ông nói các chỉ thị. Ngày hôm sau khi thợ vừa lấy mực xong đưa cho ông coi, tức thì ông thấy rõ tất cả, không còn bị mù lòa như trước.

    Đức Lêo XIII suy tôn cha Luca Vũ Bá Loan lên bậc Chân Phước ngày 27.05.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.

    (St)

    Trường thi tử Đạo.
    Vũ Bá Loan sinh năm Bính Tý (1756)
    Tại Bút Quai, giáo xứ Bút Ðông
    Thiếu thời tin kính cậy trông
    Dâng mình nhà Chúa ngài không ước gì

    Qua nhiều năm thực thi chủng viện
    Ở Kẻ Bèo đối diện Phú Ða
    Thụ phong linh mục tài ba
    Nam Xang giúp xứ khoảng là nửa năm

    Sau về giúp siêng chăm xứ mới
    Cha già Liêm tiến tới Kẻ Vôi
    Xứ này lại được chia đôi
    Kêu là Kẻ Sở giao rồi Cha Loan

    Cha sống thọ Chúa ban tám bốn
    Tóc bạc phơ nơi chốn nhà giam
    Quan quân hội ý họp bàn
    Ðều kêu bằng cụ, bỏ đàng tấn tra

    Ngày hành quyết cáng ra để xử
    Phòng lý hình đề cử mười ông
    Tất cả mười trả lời không
    Biết rằng bị phạt mười ông chối từ

    Ðao phủ mười một như ngần ngại
    Cầm gươm dài tiến lại bên Cha
    Cho tôi xin lỗi thứ tha
    Thi hành phận sự chẳng là ý tôi

    Liền sau đó một hồi chiêng trống
    Cha nguyện cầu tay chống gậy quỳ
    Nhát gươm tiễn biệt Ngài đi
    Hồng ân tử đạo đón đi Nước Trời

    Phúc tử đạo sáng ngời Canh Tý (1840)
    Sáu mươi năm giáo lý loan truyền
    Hồng ân Canh Tý (1900) ưu tiên
    Suy tôn Chân Phước ở miền Bút Ðông

    Theo di chúc chôn ông xứng đáng
    Xứ Kẻ Chuôn an táng thi hài
    Máu đào rạng rỡ tương lai
    Cha Loan gương mẫu của Ngài kiên trung

    Lời bất hủ: Các quan khuyên cha chà đạp lên Thánh Giá. Cha chỉ tìm cách nói khéo đi rằng: “Các linh mục nuôi tôi và Ðức Cha truyền chức cho tôi thì đã chết cả rồi, địa chỉ tôi thì nay đây mai đó, chỗ nào không chứa, tôi ẩn vào chùa nọ đình kia. Riêng việc quá khoá thì thưa quan, tôi là đạo trưởng làm sao tuân điều đó được”. Khi quan hỏi tại sao đi đạo ngoại quốc, cha trả lời: “Tôi chẳng theo Chúa nước nào cả, tôi chỉ thờ Chúa trời đất, Chúa của muôn dân thôi”.

    Hot Topics

    Related Articles