More

    Gioan Ðạt (1764-1798)

    Gioan Ðạt (1764-1798)Danh sách & tiểu sử 118 Vị Tử Đạo Việt Nam

    Gioan Ðạt, linh mục; sinh khoảng 1764 tại Ðồng Chuối, Thanh Hóa; chết ngày 28/10/1798. Thánh Ðạt, được mô tả là một người rất bình thản, được thụ phong linh mục năm 1798. Sau khi bị bắt vì tội làm linh mục bất hợp pháp, ngài bị tù 3 tháng, rồi bị xử trảm (chém đầu). Ngài và thánh Emmanuel Triệu là những vị linh mục triều đầu tiên mà cuộc tử đạo đã được ghi chép và lưu trữ. Phong Á Thánh 1900. Lễ kính ngay 28 tháng 10

    Thánh Hiến mạng vì đòan chiên.

    “Người mục tử nhân lành hiến mạng sống cho đòan chiên” (Ga 10,11b). Đó là lời Đức Giêsu, đã được thánh Gioan Đạt đem ra thực hiện một cách tuyệt hảo. Đang khi quân lính truy bắt, cha có thừa cơ hội trốn thoát, nhưng vì thương các tín hữu đang bị tra khảo, thấy quân lính tàn nhẫn đánh đập họ vì mình, cha đã tình nguyện ra trình diện.

    Gioan Đạt mở mắt chào đời năm 1765 tại làng Khê Cầu, huyện Bình Lục, Thanh Hóa, giáo phận Tây Đàng Ngoài. Mồ côi cha từ nhỏ, cậu Đạt xin phép mẹ để hoàn toàn hiến thân cho Chúa dưới sự chăm sóc đầy tình thương của cha Loan xứ Đồng Chuối. Năm 18 tuổi, cậu xin vào chủng viện, sau đó, đi giúp xứ một thời gian. Đến năm 1798, thày mơí thụ phong linh mục.

    Cha Gioan Đạt được phái đến xứ Hảo Nho, Thân Phú. Vị tân linh mục hết sức lo lắng cho các tín hữu nên được mọi người yêu quý. Cha chính giáo phận Tây Đàng Ngoài nhận xét : “Cha Đạt có nhiều nhân đức, nhất là đức tuân phục và khó nghèo. Cha luôn chu toàn mọi bổn phận, nên Đức cha và các vị thừa sai đều qúy mến. Lời cha giảng có sức mạnh đặc biệt, có sức thuyết phục lòng người”.

    Mới thi hành tác vụ linh mục được 6 tháng, vua Cảnh Thịnh ra sắc lệnh bắt đạo gắt gao hơn trước. Quan trấn ra lệnh cho quân lính tầm nã các tín hữu, nhất là các đạo trưởng. cha Đạt phải trốn lên rừng một thời gian. khi thấy tình hình có vẻ lắng dịu, cha thường lén về giáo xứ ban các bí tích.

    Một hôm cha vừa hoàn tất thánh lễ an táng tại tư gia thì quân lính ập đến. Giáo hữu đưa cha ra sau nhà, và chỉ lối cho cha thoát thân. Thế nhưng cha không đành lòng bỏ rơi họ ra đi. Vì khi đó, lính đã tìm thấy chén thánh và áo lễ, nên đang tra tấn chủ nhà, ông Trùm Mới và một số tín hữ khác. Như Đức Giêsu xưa yêu cầu quân Do Thái để các tông đồ được an toàn, cha cũng tự nguyện ra trình diện. Ngài nói: “Vẫn biết tôi có thể trốn thoát, nhưng như thế anh chị em sẽ khổ nhiều”.

    Quân lính trói cha lại, rồi đánh đập tàn nhẫn cùng với thày Tâm và ba vị trong Ban chức giáo xứ. Các giáo hữu ở đó định cậy đông người dùng sức mạnh giải vây cứu cha, nhưng cha biết ý, cản họ lại : “Cứ để tôi vâng theo thánh ý Chúa, anh chị em ở lại bình yên, kiên trung giữ đạo, nhớ cầu nguyện cho tôi được vững vàng đến cùng”. Trên đường áp giải cha về Thanh Hóa, khi ngang qua làng Kẻ Dừa, có người cầm nón đưa cha đội, nhưng quân lính không cho.

    Chứng tá trong tù

    Hai tháng tù tại Đình Đang, cha Đạt làm mọi người bỡ ngỡ, vì thấy cha trong hoàn cảnh đó mà vẫn bình tĩnh vui vẻ. Khi các tín hữu đến thăm và khóc thương, cha nói chuyện vui cho mọi người bớt ưu sầu và an ủi khích lệ họ. Cha nói : “Tử đạo là phúc cao trọng An Nam ta chưa được mấy người. Nếu được tử đạo, tôi mừng lắm”.

    Lương dân sống gần trại giam cũng cảm mến thương cha. Một thiếu phụ lòng ngay đưa cha một chai độc dược để kết liễu cuộ cđời khổ đau trong tù ngục. Cha từ chối và giải thích cho bà biết: “Người Công Giáo chân chính, dù trong hoàn cảnh nào cũng không chấp nhận việc tự tử”. Đặc biệt cha còn cảm hóa được cả đám lính canh ngục. Mới dầu họ hay làm khó dễ, cứ mỗi lần đổi ca gác, họ lại bắt các tín hữu đút lót tiền, nếu không họ sẽ hành hạ tù nhân. Sau thấy được lòng bác ái yêu thương của cha Đạt, đám lính canh đã có thiện cảm và dễ dàng hơn với các tín hữu. Một lần cha bênh vực cho một người lính ăn cắp nải chuối giáo dân gởi vào cho cha. Lần khác, cha nói với họ rằng: “Khi nào tôi được phúc lên trời, tôi sẽ chẳng quên anh em dưới thế”.

    Ông Thiềng, cai ngục, tỏ lòng quý mến cha cách đặc biệt. Khi gặp riêng, ông nói với cha rằng: “Tôi thấy cụ khôn ngoan, đạo nghĩa thì muốn kết nghĩa huynh đệ lắm, ngặt vì cụ sắp bị kết án tử rồi. Tôi xin hứa biếu cụ cỗ quan tài để biểu lộ lòng tôi quí cụ”.

    Nhiều lần, cha Đạt và các tín hữu bị lôi ra quỳ trước tòa, tay chân mang xiềng xích, cổ đeo gông. Ông Hoàng Đệ là em vua Cảnh Thịnh, đích thân chủ tọa phiên tòa. Ông bắt các anh hùng đức tin chối đạo hoặc chà Thánh Giá, và dù đã áp dụng nhiều hình thức tra tấn dã man, nhưng ông vẫn hoàn toàn thất bại. Có hôm ông yêu cầu cha Đạt cắt nghĩa tấm ảnh phán xét chung, rồi nói cha đạp lên tấm ảnh đó thì sẽ được tha. Nhưng cha cúi xuống cầm lấy ảnh và hôn kính cách sốt sắng.

    Hiến lễ dâng Thiên Chúa

    Trung tuần tháng 10, ông Hoàng Đệ gọi cha ra công đường tuyên án xử tử. Ông tưởng nghe bản án, cha sẽ kinh sợ và đổi ý, không ngờ cha lại tỏ ra hân hoan khác thường. Về trại giam cha thuật cho các bạn tù nghe án xử như một tin mừng đến với cha. Cha Huấn xứ Bạch Bát giả làm cụ đồ bạn cũ đến thăm, giải tội và đem cho cha Mình Thánh Chúa.

    Đúng ngày hành xử, trời bỗng đổ cơn mưa như trút. Cha Đạt, cổ đeo gông nặng trĩu, phải lẽo đẽo chạy theo lính dưới cơn mưa tầm tã tiến ra pháp trường Tinh hà. Tại đây, giáo dân đã trải chiếu hoa, cha bình tĩnh quỳ xuống cầu nguyện. Khi các quan cho phép, tìn hữu ùa đến bên cha lãnh phép lành cuối cùng. Cha khuyên họ : “Là Kitô hữu, chúng ta phải vâng lệnh vua quan trong những điều hợp lý, nhưng trước hết, phải tôn trọng lề luật Chúa”.

    Một hồi chiêng nồi lên, mọi người phải lui ra xa. Lý hình vung gươm kết liễu cuộc đời vị linh mục trẻ đầy nhiệt huyết và can đảm. Giáo hữu và lương dân đều xúm lại thấm máu vị chứng nhân đức tin. Đó là ngày 28.10.1798, khi đó cha Đạt mới 33 tuổi, với chưa đầy một năm phục vụ trong chức linh mục.

    Đời sống cha Gioan Đạt là mẫu gương sáng ngời về tình yêu. Yêu lý tưởng, cha hiến thân tu hành, yêu anh em, cha tự nguyện nộp mình, và yêu Thiên Chúa, cha hiến tế chính mạng sống vô giá không thương tiếc. Thi hài vị tử đạo được đưa về an táng tại nhà thờ Phúc Nhạc (Phát Diệm).

    Đức Lêo XIII suy tôn cha Gioan Đạt lên bậc Chân Phước ngày 27.05.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.

    Nguồn từ Tu Viện Đa Minh

    Trường thi tử Đạo.

    Gioan Ðạt sinh năm Ất Dậu (1765)
    Tại Ðồng Chuối Khê Cầu tỉnh Thanh
    Cha mất lúc tuổi còn xanh
    Mẹ già vất vả độc hành nuôi con

    Khi còn nhỏ nỉ non với mẹ
    Con muốn tu thỏ thẻ xin đi
    Thương con mẹ nói hãy thì
    Cha Loan đã nhận gởi đi nhà tràng

    Mười tám tuổi lên đàng tu học
    Rất thông minh hiểu đọc Latinh
    Thầy lên kẻ giảng đăng trình
    Thừa sai theo giúp nhiệt tình khắp nơi

    Ðược ơn gọi rạng ngời Linh mục
    Lễ thụ phong diễm phúc biết bao
    Ðược Cha Chính chọn hồi nào
    Làm Cha phụ tá giảng rao khắp miền

    Cha Ðạt thích có duyên đọc sách
    Hay vâng lời đặc trách siêng chăm
    Tình thương nhân đức khó khăn
    Dù khi đau ốm chẳng nhăn nhó gì

    Các Cha Cố rất thì quý mến
    Việc lớn lao tìm đến nhờ Cha
    Giảng rao sốt sắng nhất mà
    Bao người tội lỗi nghe là hồi tâm

    Cha dẫn dắt kẻ lầm lạc lối
    Lời Thánh Kinh Tám mối nhủ khuyên
    Siêng năng đạo đức tài hiền
    Giáo dân quý mến khắp miền tin yêu

    Vác Thập Gia Thiên Triều trao phó
    Chức chủ chăn gặp gió phong ba
    Thụ phong bốn tháng bắt cha
    Lễ dâng hoàn tất lính đà đến vây

    Vào làng truy tìm thầy Ðạo Trưởng
    Các giáo dân chỉ hướng trốn đi
    Cha Ðạt ngài nói tức thì
    Ðể mình tôi chịu chạy đi khổ làng

    Ngài nộp mình hiên ngang cho bắt
    Lính trói ngay vả mặt đánh đòn
    Giáo dân buồn thảm héo hon
    Nhưng mà bọn chúng lại còn rủa cha

    Lại bắt buộc bước qua Thập Giá
    Nhưng ngài ôm Cha Cả kính tôn
    Quan Trấn tra hỏi đổ dồn
    Tây phương đọc sách sớm hôm thì thầm

    Cha hãy đọc nội tâm trong đó
    Cả giáo dân nghe có điều gì
    Sách này lời Chúa khắc ghi
    Nếu ta có đọc quan thì hiểu đâu

    Sách tiếng Việt ngõ hầu thấy rõ
    Mười điều răn trong đó nhủ khuyên
    Cha Ðạt lớn tiếng rao truyền
    Quan nghe phật ý nên liền bắt ngưng

    Hai tên lính cầm thừng để đánh
    Chúng đòi tiền nói mánh dầu đèn
    Thầy Tâm xin giúp một phen
    Cha Ðạt ngài cởi áo đen thay tiền

    Thay gông nặng đeo liền vào cổ
    Moi thêm tiền làm khổ cha hơn
    Huyền Trang y sĩ van lơn
    Chuyển tù nơi khác dễ hơn chốn này

    Ðô Uý Thiềng lên thay đảm trách
    Dọn riêng phòng đặc trách cho cha
    Giáo dân thăm viếng vào ra
    Ðược hơn hai tháng tạm là tự do

    Ngài đã giúp lo cho bổn đạo
    Phần linh hồn loan báo niềm tin
    Quan đội chỉ đứng ngó nhìn
    Tháo gông cụ hứa, không tìm trốn đi

    Ý quan muốn hãy thì thực hiện
    Không bao giờ làm chuyện hại ai
    Nhưng quan chẳng dám tin ngài
    Sau lại thay đổi đeo hoài cổ gông

    Ðược tin án xử ông Cha Ðạt
    Ngài mừng vui ca hát tạ ơn
    Nguyện cầu can đảm thêm hơn
    Theo gương Cha Triệu chẳng hờn quan cai

    Rồi sau đó là ngài tâm sự
    Mồ côi cha từ thuở ấu thơ
    Ở với mẹ anh nương nhờ
    Một vinh dự lớn tôn thờ Chúa trên

    Tin loan báo giờ lên án lệnh
    Ngày hai mươi số mệnh chém đầu
    Cha Ðạt mong đợi từ lâu
    Hân hoan đón nhận phép mầu hồng ân

    Khắp lương giáo xa gần kéo đến
    Tuổi thanh xuân mộ mến tài danh
    Hiền hòa can đảm chân thành
    Giáo dân thủ lãnh lừng danh đạo đời

    Lính dẫn giải tới nơi xử trảm
    Cha đứng yên bình thản nguyện cầu
    Giáo dân khóc lóc hồi lâu
    Ðộng lòng ngài đã ngẩng đầu xua tay

    Lý hình bước tới ngay để chém
    Ðầu cha rơi tung ném lên Trời
    Hồn về Thiên quốc nghỉ ngơi
    Giáo dân đem xác về thời băng ca

    Tại Phúc Nhạc nhà cha an táng
    Còn hồ nghi ngao ngán kẻ gian
    Giáo dân góp ý họp bàn
    Nhà tư lãnh nhận khói nhang kính thờ

    Năm tử đạo bấy giờ Mậu Ngọ (1798)
    Chết hiên ngang tuổi thọ ba ba
    Canh Tý(1900) Toà Thánh Roma
    Suy tôn Á thánh hồn cha Nước Trời

    Lời bất hủ: Cha nói khích lệ mọi người: “Tử đạo là phúc cao trọng, An Nam ta chưa được mấy người. Nếu được Tử Ðạo tôi mừng lắm”. Gặp tín hữu cha khuyên: “Là Kitô hữu, chúng ta phải vâng lệnh vua quan trong những điều hợp lý, nhưng trước hết phải tôn trọng lề luật Chúa”.

    Hot Topics

    Related Articles