More

    Thường huấn Linh mục Giáo phận Nha Trang 2018

    Giáo phận Nha Trang, chung cảm thức với Giáo hội, đồng thời trong hướng mục vụ mở ra một bước phát triển mới sau khi mừng 60 năm thành lập giáo phận. Để thực hiện đường hướng này, chắc hẳn cần cậy nhờ vào vai trò nòng cốt của các linh mục. Do đó, giáo phận chọn chủ đề thường huấn linh mục năm 2018: Linh mục giáo phận sống linh đạo hiệp thông trong sứ vụ Mục tử và Lãnh đạo Dân Chúa.

    Tuần thường huấn Linh mục Giáo phận Nha Trang (28-31/5/2018)
    thường huấn Linh mục Giáo phận Nha Trang

    Vào ngày thứ hai 28/5/2018 linh mục đoàn giáo phận Nha Trang đã tề tựu tại Tòa Giám Mục để tham dự tuần thường huấn dành cho các linh mục, tuần thường huấn này qui tu hơn 200 linh mục triều và dòng cùng với 28 phó tế sẽ được phong chức Linh mục vào lúc 16g00 ngày 31/5/2018 tại Đại Chủng Viện Sao Biển.

    Có thể nói, cùng với Lời Chúa và các bí tích, chức linh mục thừa tác cũng là ân ban cho nhân loại, là kho báu ân sủng mà Thiên Chúa giàu lòng xót thương ban cho Giáo hội làm ‘dụng cụ’ cứu rỗi và thánh hóa con người. Do đó, Giáo hội luôn quan tâm đến các linh mục, nhất là từ Công đồng Trentô, và đặc biệt với Công đồng Vaticanô II, “vì trong công cuộc canh tân Giáo hội, hàng linh mục giữ một vai trò rất quan trọng” (PO 1).

    Giáo phận Nha Trang, chung cảm thức với Giáo hội, đồng thời trong hướng mục vụ mở ra một bước phát triển mới sau khi mừng 60 năm thành lập giáo phận. Để thực hiện đường hướng này, chắc hẳn cần cậy nhờ vào vai trò nòng cốt của các linh mục. Do đó, giáo phận chọn chủ đề thường huấn linh mục năm 2018: Linh mục giáo phận sống linh đạo hiệp thông trong sứ vụ Mục tử và Lãnh đạo Dân Chúa.

    Nội dung được khai triển trong 12 đề tài, xoay quanh  nguyên mẫu Chúa Giêsu Kitô Linh mục “Mục tử và Lãnh đạo Dân Chúa”. Các bài 1-6 liên hệ đến “căn tính mục tử”, các bài 7-12 triển khai “sứ vụ lãnh đạo”. Cả hai cùng nhấn mạnh bốn chiều kích của đời sống linh mục là nhân bản, tu đức, trí thức và mục vụ. Như thế, chủ đề thường huấn này nhằm giúp các linh mục thêm ý thức về hồng ân mình lãnh nhận để hiệp thông trong lãnh đạo vàlãnh đạo tạo hiệp thông. Như Chúa Giêsu Kitô luôn “nên một” với Thiên Chúa trong Chúa Thánh Thần, và đem muôn người về “hiệp thông” làm một trong Thiên Chúa là Cha mọi người. Nhờ thế, linh mục nên “mục tử như lòng Chúa mong ước” và trở thành “lãnh đạo” đáp ứng khát vọng ơn cứu độ của lòng người.

    Bầu khí đầy tình huynh đệ và hiệp thông các linh mục bước vào tuần thường huấn với tất cả niềm vui và lòng nhiệt thành, mong muốn đào sâu chủ đề thời sự của Giáo Hội trong ân ban của Chúa Thánh Thần.
    Tuần thường huấn linh mục hàng năm không chỉ nói lên sự quan tâm của vị chủ chăn giáo phận mà còn là trách nhiệm to lớn của các vị chủ chăn, nhằm giúp các linh mục học hỏi, đào sâu và cập nhật những kiến thức qua những những tài liệu của Giáo hội cũng như những vấn đề mà Giáo hội đang đối diện trong xã hội hôm nay.

    Các đề tài thuyết trình:

    1- Thiên Chúa Ba Ngôi, suối nguồn hồng ân Linh mục
    2- Linh mục trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô trong căn tính, sứ mạng và đời sống
    3- Linh mục sống khiêm nhường và nhiệt tâm phục vụ theo linh đạo Mẹ Maria
    4- Linh mục sống đồng cảm cùng Giáo hội là Mẹ và Thầy
    5- Linh mục sống hiệp thông với Giám mục Giáo phận
    6-  Tình huynh đệ Linh mục trong đại gia đình Linh mục đoàn Giáo phận
    7- Để chiên được sống và sống dồi dào
    8- Để đồng hành, biện phân và hội nhập sự yếu đuối với các tín hữu trong tình trạng hôn nhân bất hợp luật theo Amoris Laetitia
    9- Linh mục hiệp thông với người nghèo, lương dân, sống sẻ chia trong bác ái và truyền giáo
    10- Linh mục Nha Trang bảo tồn và phát huy gia sản của tiền nhân làm phát triển Giáo phận
    11- Linh mục sống nhân bản trong chức vụ: ngôn sứ, tư tế và vương đế.
    12- Linh mục với việc thường huấn

    Tổng quát các chủ đề thường huấn

    THIÊN CHÚA BA NGÔI,
    SUỐI NGUỒN HỒNG ÂN LINH MỤC

    Lm Inhaxiô Hồ Thông

    Chủ đề Thường huấn Linh mục Giáo phận Nha Trang năm 2018 là Linh đạo hiệp thông trong sứ mạng Mục tử và Lãnh đạo Dân Chúa. Đề tài đầu tiên có tựa đề: “Thiên Chúa Ba Ngôi, suối nguồn hồng ân linh mục”. Nói rõ hơn, “Hồng ân mà linh mục lãnh nhận chính là ơn gọi và sứ mạng bắt nguồn từ Thiên Chúa Ba Ngôi” theo mẫu thức truyền thống: Chúa Cha là Đấng có sáng kiến, Chúa Con là Đấng thực hiện, và Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa và đồng hành.
    Thật ra, ơn gọi và sứ mạng của mỗi người Kitô đều theo cùng mẫu thức Thiên Chúa Ba Ngôi như trên. Tuy nhiên, người Kitô hữu lãnh nhận ơn gọi và sứ mạng qua bí tích Thánh tẩy, còn linh mục thì lãnh nhận ơn gọi và sứ mạng qua bí tích Truyền chức. Nhờ bí tích Truyền chức, linh mục được dự phần vào ơn gọi và sứ mạng của các giám mục với tư cách là những cộng tác viên của các ngài, trong khi các giám mục được thông phần vào ơn gọi và sứ mạng của các Tông đồ với tư cách là Mục tử và Lãnh đạo Dân Chúa. Nói cho cùng, giáo xứ là hình ảnh thu nhỏ của giáo phận, cũng như giáo phận là hình ảnh thu nhỏ của Hội thánh Chúa Kitô…
    Trong phần khai triển, xin trình bày đề tài thành hai phần: Thiên Chúa Ba Ngôi, suối nguồn ơn gọi trong sứ mạng mục tử và lãnh đạo qua mặc khải của Chúa Kitô và Thiên Chúa Ba Ngôi, suối nguồn ơn gọi trong sứ mạng mục tử và lãnh đạo qua mẫu gương của thánh Phaolô.

    LINH MỤC TRỞ NÊN ĐỒNG HÌNH ĐỒNG DẠNG VỚI CHÚA KITÔ TRONG CĂN TÍNH,
    SỨ VỤ VÀ ĐỜI SỐNG

    Lm Phêrô Trần Hữu Thành
    Mt 4,19: “Các anh hãy theo tôi…”

    Dựa theo ánh sáng Lời Chúa và giáo huấn của Giáo hội, chúng ta, trong tinh thần và bầu khí tham dự khóa thường huấn của các linh mục Giáo phận Nha Trang, lắng nghe để nhận thức và phân định để học hỏi về đề tài: Linh mục trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô trong căn tính, sứ vụ và đời sống.

    Với bí tích Truyền chức, qua việc đặt tay và lời nguyện thánh hiến của giám mục, nơi linh mục xuất hiện một mối dây hữu thể đặc biệt liên kết linh mục với Chúa Kitô, Linh mục Thượng phẩm và Mục tử nhân lành (x. PDV 11).

    Ý nghĩa trên đây thôi thúc hàng linh mục chúng ta thao thức trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu Kitô Mục tử nhân lành.
    Vì vậy hàng linh mục chúng ta năng lắng nghe và nhìn ngắm Chúa Giêsu trong tinh thần học hỏi, hiểu biết và cảm nghiệm để sống theo Chúa Giêsu Kitô và sống như Chúa Giêsu Kitô.

    LINH MỤC SỐNG KHIÊM NHƯỜNG
    & NHIỆT TÂM PHỤC VỤ
    THEO LINH ĐẠO MẸ MARIA

    Lm Giuse Nguyễn Thường

    Kim chỉ nam về Tác Vụ và Đời sống Linh mục, số 2 nói rõ về căn tính linh mục: “Với bí tích truyền chức, qua việc đặt tay và lời nguyện thánh hiến của Giám mục, nơi linh mục xuất hiện “một mối dây hữu thể đặc biệt liên kết linh mục với Chúa Kitô, Linh mục Thượng phẩm và Mục tử nhân lành”.

    Từ ngữ quan trọng nhất trong trích đoạn trên đây là từ ngữ “hữu thể”. Có nghĩa là ấn tích truyền chức biến chúng ta thành một tạo vật mới do tương quan với Chúa Kitô. Nói theo ngôn từ của Aristote thì mối quan hệ giữa linh mục và Chúa Kitô có tính cách bản thể chứ không phải là tùy thể. Trong thực tế, để hoán cải, để xét mình, để tìm lại chính mình, chúng ta cần phải xét xem ơn linh mục đã trở thành bản chất của chúng ta chưa, hay chúng ta xem và sống căn tính linh mục như một tùy thể.

    LINH MỤC SỐNG ĐỒNG CẢM CÙNG
    GIÁO HỘI LÀ MẸ VÀ THẦY

    Lm Phêrô Nguyễn Xuân Phong

    Linh mục sống đồng cảm cùng Giáo hội. Đây là một cụm từ rất thân quen với chúng ta. Trong bài chia sẻ này, xin được liên kết cụm từ này với thành ngữ “Sentire cum Ecclesia” của thánh Ignatio Loyola. Chúng ta đã nghe nói rất nhiều đến cụm từ Sentire cum Ecclesia, mà dịch ra là “đồng cảm cùng Giáo hội”. Nhưng Giáo hội là gì và là ai? Theo hiến chế Lumen Gentium của Vatican II, Giáo hội được hiểu một cách rộng rãi và đúng, là “Dân Chúa”, bao gồm tất cả mọi thành phần trong Giáo hội. Như vậy, khi nói Sentire cum Ecclesia là nói đến đồng cảm cùng Giáo hội theo nhiều chiều kích: giáo dân đồng cảm với linh mục, giám mục, Đức giáo hoàng; và rồi linh mục với giáo dân, linh mục với giám mục; giám mục với giáo dân và với hàng linh mục.

    Đó là lý do tại sao trong dịp thường huấn này Đức giám mục giáo phận đã muốn có nhiều bài chia sẻ khác nhau về chủ đề Sentire cum Ecclesia, để nói về sự hiệp thông đồng cảm của linh mục với Giáo hội. Kim chỉ nam về Tác vụ và Đời sống Linh mục (KCN) do Bộ Giáo sĩ soạn thảo, đã xác định: “Cách cụ thể, linh mục hiệp thông với Giáo hội qua nhiều cách thức khác nhau. Thật vậy, với bí tích truyền chức, linh mục tạo nên những mối liên hệ đặc biệt: với Đức giáo hoàng, với giám mục đoàn, với giám mục của mình, với các linh mục khác, và với giáo dân”.

    Vì chủ đề của bài chia sẻ này là “Linh mục đồng cảm cùng Giáo hội là Mẹ và Thầy”, do đó sẽ nhấn mạnh đến một sự hiệp thông mà KCN gọi là một sự “hiệp thông phẩm trật”. Kim chỉ nam ghi rõ: “Chính trong khuôn khổ của sự hiệp thông tác vụ này mà hình thành một số dây liên hệ cụ thể, trước hết với Đức giáo hoàng, với giám mục đoàn, và với giám mục của mỗi người.” Pastores dabo vobis đã xác định: “Không thể có tác vụ linh mục nếu không có sự hiệp thông với Đức giáo hoàng và giám mục đoàn, cách riêng với giám mục giáo phận mà linh mục đã hứa tôn kính hiếu thảo và vâng phục trong ngày thụ phong”. “Vậy đó chính là sự hiệp thông phẩm trật, tức là một sự hiệp thông trong hàng giáo phẩm như được cấu trúc từ bên trong”.

    Đó là một sự hiệp thông và đồng cảm cần thiết để các linh mục có thể có được một tâm tình yêu mến và thái độ tuân phục đối với các Đấng kế vị các Tông đồ, cũng như đối với những hướng dẫn chỉ dạy của các ngài hầu có thể “đồng cảm cùng Giáo hội xét như là Mẹ và Thầy”.
    Chính vì thế mục tiêu được đưa ra ở đây trong bài chia sẻ này là dựa trên một số văn kiện và giáo huấn của Giáo hội, và cách cụ thể qua những nhận định và đúc kết về chủ đề “Sentire cum Ecclesia” của Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) họp tại Thái Lan vào tháng 6/2012, để có một cái nhìn đúng về Sentire cum Ecclesia, và sống đồng cảm cùng Giáo hội là Mẹ và Thầy.

    LINH MỤC SỐNG HIỆP THÔNG
    VỚI GIÁM MỤC GIÁO PHẬN.

    Lm Phêrô Maria Trần Huy Hoàng

    Trong Hiến chế Tín lý về Giáo hội Lumen Gentium số 18, Công đồng Vaticanô II đã tuyên bố rằng: “Để chăn dắt và phát triển Dân Thiên Chúa luôn mãi, Chúa Kitô đã thiết lập các chức vụ khác nhau trong Giáo hội hầu mưu ích cho toàn thân. Các thừa tác viên sử dụng quyền bính thiêng liêng mà phục vụ anh em, để mọi người thuộc Dân Thiên Chúa và đương nhiên hưởng phẩm giá Kitô hữu sẽ đạt đến phần rỗi, nhờ nỗ lực tiến tới cùng một cứu cánh trong tự do và trật tự”.

    Thực vậy, Giáo hội là Dân Thiên Chúa có tổ chức, Giáo hội là một cộng đoàn tín hữu, nơi đó quyền bính được thi hành do các Tông đồ và được tiếp nối bởi các Giám mục, là những người kế vị các Tông đồ. Quyền bính đó không tự các Tông đồ có được, nhưng là do Chúa Kitô trao ban cho các Tông đồ, nhằm để phục vụ Nước Trời, cùng với sự cộng tác của linh mục và phó tế. Khi một giáo phận được giao phó cho một giám mục chăm sóc, phải đồng thời cùng với sự cộng tác của linh mục đoàn. Chỉ khi các linh mục liên kết với vị chủ chăn của mình là giám mục giáo phận, giáo phận mới được quy tụ trong Chúa Thánh Thần nhờ Phúc âm và Thánh thể, như Sắc lệnh về nhiệm vụ mục vụ của các giám mục trong Giáo Hội, Christus Dominus, số 11, đã xác định.

    Vì thế, khi bàn đến sự hiệp thông của linh mục với giám mục, chúng ta cần tìm về bản chất của chức giám mục và linh mục. Bản chất làm nên mối tương quan mang chiều kích thiêng liêng. Truy nguyên để nhận thấy bản chất đó bắt nguồn từ chức tư tế, trước hết từ Kinh thánh Cựu ước, hiện hữu với Chúa Kitô trong Tân ước, được thực thi qua truyền thống của Giáo hội và tồn tại cho đến hôm nay và mãi mãi. Chính dựa trên nền tảng này mà linh mục sống hiệp thông với giám mục sẽ mang lại sức sống thánh thiện cho Giáo hội của Chúa Kitô mang tính duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.

    TÌNH HUYNH ĐỆ LINH MỤC
    TRONG ĐẠI GIA ĐÌNH LINH MỤC ĐOÀN

    Lm Giuse Lê Văn Sỹ

    Chúng ta hãy lắng đọng để tâm một chút nhìn lại những gì đã xảy ra trong bữa Tiệc ly, bữa ăn cuối cùng của Chúa Cứu Thế với các môn đệ trước khi Ngài chịu khổ hình và chịu chết…chúng ta sẽ thấy cốt lõi của tất cả là Yêu thương, Hiệp thông và Hiệp nhất… “cứ dấu này người ta nhận biết các con là môn đệ Thầy: là các con yêu thương nhau” (Ga 13,35) “Lạy Cha,xin cho chúng nên một như  Cha với Con” (Ga 17,11-19). Nhìn vào lịch sử, ta cũng thấy rõ thế lực của sự dữ luôn tìm mọi cách tấn công vào trung tâm cốt lõi này, bao nhiêu cuộc ly giáo, ly khai đã xảy ra.

    Nhìn vào phạm vi Giáo hội địa phương của từng giáo phận cũng thế…cốt lõi cũng chỉ là một: yêu thương và hiệp nhất. Đầu tàu là vị giám mục cùng linh mục đoàn bao quanh ngài; tiếp theo là linh mục quản xứ, phó xứ do giám mục chỉ định và giáo dân giáo xứ thông hiệp với các ngài… làm nên đòan chiên của Chúa tại mỗi địa phương…

    ĐỂ CHIÊN ĐƯỢC SỐNG VÀ SỐNG DỒI DÀO

    Lm Gioakim Phạm Công Văn

    Đề tài “Để chiên được sống và sống dồi dào” xin được tiếp nối chủ đề Linh mục Giáo phận sống linh đạo hiệp thông trong sứ vụ Mục tử và Lãnh đạo Dân Chúa, của Khóa Thường huấn Linh mục Nha Trang 2018.

    Như tiêu đề cho thấy phần trình bày này nhắm tới một chiều kích khác của hiệp thông: đó là tương quan với các thành phần Dân Chúa. Hay nói cách khoa giáo, ở đây bàn về sứ vụ linh mục, trong chiều hướng tiếp nối các đề tài về căn tính linh mục đã được trình bày. Dĩ nhiên khi xác định như thế ta thấy tuy có sự phân biệt nhưng không tách biệt. Giống như nơi Chúa Giêsu, căn tính và sứ vụ luôn hòa quyện vào nhau. Mà linh mục không là gì khác hơn là hiện thân (in persona) của Chúa Giêsu Kitô giữa giòng đời và giữa lòng đời, nên linh mục kín múc căn tính mình nơi Chúa Kitô để hiệp thông thi hành sứ vụ nhận lãnh từ Chúa Kitô, và như Chúa Kitô. Hiệp thông chung căn tính dẫn đến hiệp thông cùng sứ vụ. Chúa Giêsu Kitô khi còn tại thế đã dùng nhiều kiểu nói để chỉ về sứ vụ cứu thế của Người. Một trong những kiểu nói thiết nghĩ sát nghĩa với sứ vụ linh mục nhất đó là “để chiên được sống và sống dồi dào”.

    Phần trình bày sau đây xin như một cách đọc lại các tài liệu gần đây của Hội thánh về linh mục, cách đặc biệt Kim chỉ nam về Tác vụ và Đời sống Linh mục (ấn bản mới 2013). Đây là bản văn cập nhật về căn tính và linh đạo linh mục đáp ứng cho bối cảnh thời đại hiện nay.

    Nội dung trình bày xin được sắp xếp thành ba phần:

    Một, “Chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10,16).
    Hai, “Chiên sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ” (x. Ga 10,9).
    Ba, “Con xin hiến thánh chính mình con cho họ” (Ga 17,19).

    ĐỂ ĐỒNG HÀNH, BIỆN PHÂN VÀ HỘI NHẬP
    SỰ YẾU ĐUỐI VỚI CÁC TÍN HỮU TRONG
    TÌNH TRẠNG HÔN NHÂN BẤT HỢP LUẬT
    THEO AMORIS LAETITIA

    Lm GB Lê Ngọc Dũng

    Đức giáo hoàng Phanxicô, đối với mục vụ cho tín hữu ly dị tái hôn hoặc kết hôn bất hợp luật, đã kêu gọi các mục tử là hãy: “Đồng hành, biện phân và hội nhập sự yếu đuối” (comitari, discernere et fragilitatem complere), như diễn tả của tiêu đề chương VIII Tông huấn Amoris Laetitia.

    Để có thể tích cực đón nhận và thực hiện lời kêu gọi của Tông huấn, trước hết nên nhận ra những đường lối mục vụ cũ đã thiếu sự đồng hành, biện phân và hội nhập sự yếu đuối và đang gây thiệt hại lớn lao,vượt quá những lợi ích mà chúng có thể mang lại. Một khiếm khuyết chính yếu, thiết nghĩ, là những hành vi mục vụ được soi dẫn bởi cái nhìn quy tội duy ngoại, nghĩa là chỉ dựa theo tình trạng bên ngoài, bất kể tình trạng bên trong tâm hồn phạm nhân như thế nào.

    Đường lối mục vụ nếu chỉ hành xử theo tòa ngoài, bỏ rơi chiều kích tòa trong của lương tâm là đi nghịch lại với bản chất của một tôn giáo, nhất là nghịch lại với Kitô giáo. Đương nhiên là nó sẽ gây ra những tai hại, và thực sự nó đã gây ra sự thiệt hại lớn lao là sự lìa bỏ Giáo hội nơi đa số phạm nhân….

    LINH MỤC HIỆP THÔNG VỚI
    NGƯỜI NGHÈO, LƯƠNG DÂN,
    SỐNG SẺ CHIA TRONG BÁC ÁI VÀ TRUYỀN GIÁO

    Lm Anphongsô Nguyễn Công Minh, OFM

    Đề bài được giao trên đây là để cho phù hợp với chủ đề chung của Tuần Thường huấn: “Linh mục giáo phận sống linh đạo hiệp thông trong sứ vụ mục tử và lãnh đạo Dân Chúa”. Chúng ta sẽ khởi đầu bằng xác quyết nhờ đâu mà (1) linh mục có thể hiệp thông với người nghèo, lương dân. Và phần tiếp theo là (2) “các bước hiệp thông.”

    LINH MỤC NHA TRANG BẢO TỒN
    VÀ PHÁT HUY GIA SẢN CỦA TIỀN NHÂN,
    LÀM PHÁT TRIỂN GIÁO PHẬN

    Lm GB Ngô Đình Tiến

    Khi mừng kỷ niệm 50 năm và 60 năm thành lập Giáo phận Nha Trang, chúng ta đã nhận ra và nhắc nhở cho nhau rằng Giáo phận Nha Trang được bắt nguồn từ dòng máu tử đạo của cha ông, của các vị thừa sai từ thế kỷ 17 và  giáo phận có một linh đạo về lòng yêu mến, tôn kính Đức Maria, xuyên suốt từ ngày thành lập cho đến nay. Đó chính là những gia sản thiêng liêng của giáo phận. Trong giai đoạn hiện nay chúng ta nói đến việcbảo tồn và phát huy những gia sản, những giá trị đã được xây dựng qua hành trình thời gian để xây dựng và phát triển giáo phận ngày càng thăng tiến tốt đẹp, xứng đáng với những gì mà cha ông đã để lại cho chúng ta.

    Nếu xã hội nói đến các di sản văn hóa, di sản thiên nhiên thì trong Giáo hội cũng nói đến các di sản thiêng liêng, di sản đức tin. Vậy di sản là gì theo cách hiểu thông thường và trong bối cảnh Kinh thánh? Đâu là di sản của Giáo phận Nha Trang đón nhận từ các thừa sai và các chủ chăn giáo phận? Những cách thức bảo tồn và phát huy di sản này để phát triển giáo phận?…

    LINH MỤC SỐNG NHÂN BẢN
    TRONG CHỨC VỤ: NGÔN SỨ,
    TƯ TẾ, VƯƠNG ĐẾ

    Lm Đôminicô Mai Xuân Vĩnh

    Chính vì tầm quan trọng của khía cạnh nhân bản trong đời sống linh mục, cho nên trong các giáo huấn của Giáo hội gần đây, bắt đầu từ Công đồng Vaticanô II, và đặc biệt với Tông huấn Pastores Dabo Vobis (PDV) của thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II, Giáo hội đã thường xuyên nhấn mạnh và đặt lên hàng đầu chiều kích đào tạo nhân bản cho đời sống linh mục và các ứng sinh linh mục ngày nay. Pastores Dabo Vobis khẳng định: “Đào tạo nhân bản là nền tảng của mọi chiều kích đào tạo linh mục. Không có đào tạo nhân bản thỏa đáng, thì toàn bộ việc đào tạo linh mục sẽ bị mất đi nền tảng cần thiết …Được mời gọi trở nên hình ảnh sống động của Chúa Kitô là Đầu và là Mục tử của Giáo hội, linh mục phải tìm cách phản ánh trong mức độ có thể sự hoàn thiện nhân bản chiếu tỏa từ Con Thiên Chúa làm người, và biểu lộ với một hiệu quả khác thường qua thái độ đối xử với tha nhân, như các tác giả Phúc âm trình bày … Để cho chức linh mục được người ta dễ tín nhiệm và dễ chấp nhận hơn, linh mục cần rèn luyện nhân cách của mình, nhằm trở nên một nhịp cầu – chứ không phải một cản trở – cho người khác gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu chuộc con người”.

    LINH MỤC VỚI VIỆC THƯỜNG HUẤN

    Lm Antôn Nguyễn Bình

    Nếu như khái niệm “Chủng viện”, môi trường đào tạo linh mục, lần đầu tiên xuất hiện và được cổ võ tại Công đồng Trentô (1545-1563) thì mãi đến 4 thế kỷ sau, các Nghị phụ của Công đồng Vaticanô II (1962-1965) mới đề cập đến ý niệm về thường huấn hay đào tạo thường xuyên cho các linh mục. Việc huấn luyện sau khi chịu chức linh mục rất ít khi xảy ra, trừ những trường hợp đặc biệt liên quan đến các linh mục được chỉ định cho công tác tòa án giáo phận hoặc cho sứ vụ đào tạo tại chủng viện thì mới được gửi đi học nâng cao về chuyên môn. Việc thường huấn cho hàng giáo sĩ, trên cơ bản, hầu như không được biết đến.

    Các văn kiện chính yếu của Công đồng Vaticanô II cũng không đề cập đến chủ đề này một cách chi tiết: Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis chỉ đề cập hai lần và Sắc lệnh Christus Dominus khi thúc đẩy các giám mục quan tâm đến các anh em linh mục của mình cũng chỉ đề cập đến chủ đề này vài lần. Tuy nhiên, có thể nói rằng, Công đồng Vaticanô II đã đánh dấu một bước chuyển biến lớn trong việc minh nhiên nhìn nhận vai trò thiết yếu của việc thường huấn linh mục.

    Để thực hiện tầm nhìn này, nhiều Giáo hội địa phương đã tổ chức những cuộc gặp gỡ, hội nghị định kỳ cho các giáo sĩ, linh mục, phó tế nhằm thúc đẩy các hình thức thường huấn. Và trong suốt năm thập niên sau Công đồng, nhiều chương trình thường huấn đã được phát triển một cách đa dạng, mang lại nhiều kết quả hữu hiệu. Thế nhưng, việc tổ chức các chương trình thường huấn đang gặp không ít khó nhăn, nhất là trong bối cảnh hiện tại. Một trong những vấn đề đáng quan tâm hiện nay là hàng giáo sĩ luôn đối diện với sự thiếu hụt thời gian. Hơn nữa, vẫn còn không ít linh mục chưa nhận ra tầm quan trọng, chưa có sự nhiệt thành và khát khao đối với thường huấn, một nhu cầu thiết thực cho sứ vụ của mình.
    Với mục đích làm sáng tỏ tầm quan trọng đồng thời gợi lên những phương thức tổ chức hữu hiệu của việc thường huấn, bài tham luận này sẽ được tập trung vào hai điểm chính yếu:

    – Nền tảng và Ý nghĩa của việc Thường huấn.
    – Nội dung, Tổ chức và Phương tiện cho việc Thường huấn.

    Hot Topics

    Related Articles