More

    Diễn biến mới nhất của vụ “lettergate” làm Vatican xấu hổ

    Theo tin của Elise Harris/CNA/EWTN News, ngày 21 tháng Ba, 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Ông Dario Edoardo Viganò, Vụ Trưởng Vụ Truyền Thông của Tòa Thánh, sau vụ tai tiếng gọi là “Lettergate” do vị này gây ra.

    Tổng Trưởng Truyền thông Tòa Thánh từ chứcViệc công bố trên đã được đưa ra trong một bản tuyên bố ngày 21 tháng Ba của Phát Ngôn Viên Tòa Thánh, Greg Burke, người cho rằng Đức Ông Lucio Adrián Ruiz, thư ký của Vụ Truyền Thông sẽ sử lý thường vụ cơ quan này chờ việc bổ nhiệm vị Tân Vụ Trưởng.

    Trong lá thư từ chức đề ngày 19 tháng Ba và được công bố ngày 21 tháng Ba, cùng với thư trả lời của Đức Giáo Hoàng, Đức Ông Viganò nói rằng trong mấy ngày gần đây, “nhiều tranh cãi đã xuất hiện liên quan đến việc làm của con, một việc làm mà ngoài ý muốn, đã gây bất ổn cho nhiệm vụ phức tạp và lớn lao của cuộc cải tổ mà Đức Thánh Cha đã ủy thác cho con”.

    Đức Ông cám ơn Đức Thánh Cha đã đồng hành và quảng đại, và để tránh “làm chậm” cuộc cải tổ và vì “lòng yêu mến Giáo Hội”, ngài xin từ chức.

    Trong thư phúc đáp, đề ngày 21 tháng Ba, Đức Phanxicô nói rằng sau khi nói chuyện với Đức Ông Viganò và sau “một suy nghĩ lâu và thận trọng”, ngài chấp nhận đơn từ chức của Vụ Trưởng.

    Đức Phanxicô cám ơn Đức Ông Viganò về sự phục vụ của ngài và ban phép lành cho Đức Ông, yêu cầu ngài ở lại Vụ Truyền Thông trong một khả năng khác, có tính cố vấn nhiều hơn.

    Vụ tai tiếng “Lettergate” bắt đầu tuần rồi, sau việc phát động một loạt gồm 11 cuốn sách tựa là “Nền Thần Học Của Đức Giáo Hoàng Phanxicô” vào hôm thứ Hai ngày 12 tháng Ba, do Libreria Editrice Vaticana, cơ quan xuất bản của Tòa Thánh, dưới sự giám sát của Vụ Truyền Thông, ấn hành.

    Một lá thư của Đức Bênêđíctô XVI ca ngợi việc đào luyện thần học và triết học của Đức Phanxicô đã được đọc lớn tiếng trong biến cố này; tuy nhiên, Vụ Truyền Thông, sau đó, thừa nhận rằng mình đã thao túng hình chụp bức thư gửi cho các phương tiện truyền thông, bôi đi những dòng trong đó Đức Bênêđíctô nói rằng ngài không đọc trọn cả bộ sách và do đó, không thể đưa ra một phân tích sâu sắc.

    Mấy ngày sau, một méo mó khác đã được thêm vào tai tiếng khi bị tiết lộ rằng nhiều đoạn khác đã bị che dấu trong đó, Đức Bênêđíctô tra vấn việc cho vào bộ sách một nhà thần học nổi tiếng vì “các sáng kiến phản giáo hoàng” của ông ta.

    Sau khi bị áp lực của truyền thông, Vụ Truyền Thông cho công bố toàn bộ lá thư vào ngày 17 tháng Ba, lá thư mà Vụ cho thuộc loại tư riêng và không bao giờ có ý định được công bố toàn diện.

    Đức Ông Viganò được đích thân bổ nhiệm vào Vụ năm 2015 với sứ mệnh cải tổ và đơn giản hóa các cơ sở truyền thông đa dạng của Tòa Thánh. Tai tiếng gần đây được các phóng viên so sánh với tai tiếng “Vatileaks” năm 2012, khi người quản gia của Đức Bênêđíctô XVI rò rỉ các lá thư riêng của ngài cho báo chí.

    Theo tin Zenit, trong thư phúc đáp, Đức Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Ông Viganò vào chức vụ “Tham Vấn” (assessor) tại Vụ Truyền Thông, “để khả thể hóa các đóng góp nhân bản và chuyên nghiệp của con cho Cơ Quan mới và cho dự án cải tổ mà Hội Đồng Các Hồng Y vốn ước mong”. Cuộc cải tổ này, theo Đức Thánh Cha, sắp sửa hoàn tất với việc sáp phập tờ L’Osservatore Romano và cơ quan ấn loát của Tòa Thánh vào Vụ Truyền Thông.

    Cũng theo Zenit, Đức Phanxicô ca ngợi sự “dấn thân lớn lao” và “phong thái sẵn sàng đối chất và ngoan ngoãn” của Đức Ông Viganò đối với các cộng tác viên của Giáo Triều và ngài nhấn mạnh rằng “cuộc cải tổ Giáo Hội, trước nhất, không phải là vấn đề biểu đồ tổ chức, mà, đúng hơn, là tiếp nhận tinh thần phục vụ”. Ngài cám ơn Vụ Trưởng về “sự khiêm nhường” và “cảm thức sâu đậm về Giáo Hội”.

    Giá quá đắt của vụ “Lettergate”

    Đức Ông Dario Edoardo Viganò, 55 tuổi, được bổ nhiệm lãnh đạo Vụ Truyền Thông vào tháng Sáu năm 2015 trong một cố gắng cải tổ hệ thống truyền thông Tòa Thánh bao gồm việc tinh giản các cơ quan và thay đổi cách thức hoạt động để phù hợp với nhu cầu của thời đại truyền thông.

    Những nỗ lực truyền thông của Vatican đã bị cản trở bởi sự trùng lặp những nỗ lực, trong một hệ thống mà các bộ phận, bao gồm nhiều cơ quan báo chí, đài phát thanh Vatican, trung tâm truyền hình, và nhật báo Quan Sát Viên Rôma — mỗi cơ quan hoạt động độc lập với nhau. Hệ thống đó đưa đến một cách tiếp cận thiếu nhất quán, và được nhiều người coi là “một thảm họa” cho những nỗ lực tiếp cận công chúng của Vatican. Hệ thống đó cũng ngốn một ngân sách quá lớn đối với Tòa Thánh. Vào thời điểm Đức Ông Viganò được đề bạt vào chức vụ này, có đến 650 nhân viên làm việc toàn thời trong các cơ quan truyền thông của Vatican.

    Đức Ông Viganò đã từng làm giám đốc Trung tâm Truyền hình Vatican. Trọng trách của ngài là thống nhất vào một mối chín thực thể bao gồm Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội; Phòng Báo Chí Tòa Thánh; văn phòng internet Vatican; Radio Vatican; đài truyền hình trung ương Vatican; báo Quan Sát Viên Rôma, nhà in Vatican; dịch vụ nhiếp ảnh; và nhà xuất bản Vatican – Libreria Editrice Vaticana.

    Trong gần 3 năm qua, Đức Ông Viganò đã thực hiện được xuất sắc nhiều nhiệm vụ trong tiến trình cải tổ này. Tuy nhiên, trong một tuần qua, các quan sát viên thạo tin Vatican tiên đoán vai trò lãnh đạo Vụ Truyền Thông Tòa Thánh của Đức Ông Viganò sẽ chấm dứt chỉ trong vòng vài ngày vì vụ “Vatican Lettergate”.

    Chuyện phải đến đã đến. Người đứng đầu Vụ Truyền Thông Tòa Thánh đã từ chức sau những tranh cãi liên quan đến việc thao túng lá thư của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16.

    Trong thông cáo đưa ra hôm thứ Tư 21 tháng Ba, Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận đơn từ chức của Đức Ông Dario Viganò và bổ nhiệm Đức Ông Lucio Ruiz, người Á Căn Đình, Tổng thư ký Vụ Truyền Thông Tòa Thánh, tạm thời thay thế Đức Ông Dario Viganò cho đến khi ngài bổ nhiệm nhà lãnh đạo mới.

    Vatican đã công bố bức thư của Đức Ông Viganò xin Đức Thánh Cha Phanxicô cho mình được từ chức và ý kiến chấp nhận của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng đã yêu cầu Đức Ông Viganò, 55 tuổi, ở lại Vụ Truyền Thông Tòa Thánh để “cố vấn” và “đóng góp nhân lực cũng như khả năng chuyên môn” cho bất cứ ai được giao trọng trách tiếp tục công trình thống nhất các nỗ lực truyền thông và các phương tiện truyền thông đa dạng của Tòa Thánh.

    Cuộc tranh cãi đã nổi lên vào ngày 12 tháng Ba tại buổi họp báo giới thiệu tuyển tập gồm 11 cuốn “Thần học của Đức Giáo Hoàng Phanxicô”.

    Vào tháng Giêng năm nay, Đức Ông Viganò đã xin Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 viết một bài về bộ sách 11 tập này. Theo văn mạch lá thư của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, Đức Ông Viganò muốn vị Giáo Hoàng nghỉ hưu “phản đối và phản ứng lại định kiến ngu xuẩn, theo đó Đức Giáo Hoàng Phanxicô chỉ là một người thực tế mà không được đào tạo về thần học hay triết học cụ thể,” trong khi Đức Bênêđíctô thứ 16 “chỉ là một nhà lý thuyết thần học với sự hiểu biết rất ít về cuộc sống cụ thể của Kitô hữu ngày nay.”

    Trong buổi giới thiệu sách, và cả trong một video được tung lên Youtube, Đức Ông Viganò đọc một cách có chọn lọc những câu trong thư của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 khiến cho người nghe có cảm tưởng là vị Giáo Hoàng nghỉ hưu đã đọc bộ sách và đồng ý với những quan điểm được viết trong đó, trong khi thực tế không đúng như thế.

    Lá thư của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 cho thấy ngài chưa hề đọc vì “những lý do thể chất,” và “vì còn những công việc khác” mà ngài đã hứa thực hiện. Đức Giáo Hoàng nghỉ hưu cũng không hứng thú muốn đọc vì “kinh ngạc” nhận ra “trong số các tác giả cũng có Giáo sư Hünermann, là người mà trong suốt triều đại Giáo Hoàng của tôi đã nổi bật lên với những sáng kiến chống lại Đức Giáo Hoàng. Ông ta đã đóng một vai trò quan trọng trong việc công bố ‘Kölner Erklärung’, trong đó, phần liên quan đến thông điệp ‘Veritatis splendor’ (Chân lý Huy hoàng), đã tấn công một cách tàn bạo huấn quyền của Đức Giáo Hoàng, đặc biệt là các vấn đề về thần học luân lý. Cũng vậy tổ chức ‘Europaische Theologengesellschaft’, mà ông ta thành lập, ban đầu đã được ông ta hoài thai như một tổ chức chống lại huấn quyền của giáo hoàng.” Hünermann, là một nhân vật khét tiếng chống đối huấn quyền của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 và của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16; còn Europaische Theologengesellschaft là một tổ chức chủ trương đòi Giáo Hội phải tỏ ra tháo thứ trong các vấn đề về luân lý tính dục, truyền chức linh mục cho phụ nữ, công nhận hôn nhân đồng phái, truyền chức linh mục cho những người có gia đình.

    Trong thông cáo báo chí gởi cho các ký giả, Vụ Truyền Thông Tòa Thánh cũng công bố một bức ảnh cho thấy trang đầu tiên của bức thư, với một vài dòng bị cố ý làm mờ đi và trang thứ hai, ngoại trừ chữ ký của Đức Bênêđíctô thứ 16, những dòng khác bị những cuốn sách che mất đi.

    Thủ thuật lấy mấy cuốn sách che đi không qua mặt được các ký giả chuyên nghiệp. Bức ảnh này gây xôn xao dư luận và các câu hỏi đã được nêu ra trong giới truyền thông về nội dung chính xác của lá thư.

    Một tag trên Twitter #releasetheletter đã lan truyền nhanh chóng trong số những người Công Giáo khi vụ tai tiếng này càng ngày càng lan rộng.

    Vụ tai tiếng được gọi là “Lettergate” này đã làm Vatican xấu hổ trong tuần vừa qua và đã làm nảy sinh khoảng cách ngày càng tăng giữa những người ủng hộ đường lối chú trọng về mục vụ của Đức đương kim Giáo Hoàng và những người bảo thủ ưa chuộng triều Giáo Hoàng tập trung vào tín lý của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16. Nhưng sâu xa, nó còn là một cản trở đối với công cuộc truyền giáo của Giáo Hội.

    Giá của vụ “lettergate” này quá đắt. Giáo Hội không chỉ mất một nhà lãnh đạo có nhiệt tâm, có khả năng; mà tính khả tín của Giáo Hội cũng bị đặt thành vấn đề trước những trò “fake news” ma giáo như thế.

    (Tổng hợp từ ZENIT và Vietcatholic.net) 

    Hot Topics

    Related Articles