More

    Giáo phận Sài Gòn: Thánh Lễ tạ ơn ra mắt cộng đoàn Kinh Thánh Cầu Nguyện

    Cầu nguyện là hơi thở của linh hồn và Lời Chúa là ngọn đèn soi bước cho cuộc đời người Kitô hữu và nhất là “Không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô” vì Đức Kitô chính là Đấng duy nhất cứu độ trần gian để rồi cầu nguyện và biết Đức Kitô là điều căn cốt nhất trong đời Kitô hữu. Là Kitô hữu mà không biết Đức Kitô cũng như không cầu nguyện chỉ là Kitô hữu tên tuổi và nhãn hiệu mà thôi.cộng đoàn Kinh Thánh Cầu Nguyện

              Và rồi, Giáo Hội vẫn sống, vẫn tồn tại nhờ Lời Chúa và đời sống cầu nguyện. Dù bận rộn với biết bao nhiêu công việc nhưng rất nhiều người Kitô hữu đã chìm đắm trong cầu nguyện  và suy niệm Lời Chúa. Với tâm tình yêu mến Lời Chúa và cầu nguyện để rồi có nhiều nhóm Kinh Thánh Cầu Nguyện được lập ra để quy tụ lại với nhau tìm hiểu Kinh Thánh và cầu nguyện với nhau. Thế nhưng, do hoàn cảnh chưa thuận lợi để rồi vẫn chưa chính thức được công nhận. Hôm nay, Thứ Sáu, 18 tháng 5 năm 2018, chính là ngày mà Cộng Đoàn Kinh Thánh Cầu nguyện của Giáo Phận Sài Gòn được chính thức được Đấng Bản Quyền chuẩn nhận.

              Để ghi dấu ngày khai sinh này, Đức Cha Luy Nguyễn Anh Tuấn, Cha Giuse Trần Thanh Công – Chánh Xứ Giáo Xứ Vườn Xoài, Cha Tuyên Úy Giuse Nguyễn Trọng Viễn, OP và nhiều Cha khác nữa và đặc biệt 17 cộng đoàn Kinh Thánh Cầu Nguyện đã quy tụ lại với nhau để dâng Thánh Lễ tạ ơn nhân dịp hồng phúc này tại Giáo Xứ Vườn Xoài.

    9 g 30, Thánh Lễ tạ ơn được bắt đầu.

    Trước khi bước vào Thánh Lễ, cộng đoàn cùng nghe lời dẫn vào Thánh Lễ : “Kính thưa cộng đoàn, Lời hứa của Đức Giêsu : “Thầy sẽ xin Chúa Cha ban Thánh Thần đến với các con và ở cùng các con mãi mãi”. Nay ân phúc ấy đã thành sự nơi các môn đệ với những dấu chỉ bề ngoài là gió, là lửa và sức biến đổi rõ ràng nơi các môn đệ. Từ những người nhát đảm, sợ sệt, chậm hiểu, cầu danh lợi, ham sống sợ chết … thành những người can đảm, hiểu biết, coi thường danh lợi, sẵn sàng đón nhận cái chết để minh chứng tình yêu cứu độ của Đức Giêsu.

    Mừng Lễ Chúa Thánh Thần hôm nay, phụng vụ Giáo Hội mời gọi chúng ta nhớ lại hồng ân Chúa Thánh Thần đã nâng đỡ, phù giúp chúng ta từ ngày rửa tội và thêm sức để sống chan hòa yêu thương, hiệp nhất nên một dưới sự và soi sáng dưới sự nối kết của Người.

    Đặc biệt hôm nay 17 cộng đoàn Kinh Thánh cầu nguyện ra mắt Giáo Phận. Cũng là ngày bổn mạng đầu tiên của cộng đoàn, chúng ta cùng hiệp ý tạ ơn Thiên Chúa và cầu xin Chúa Thánh Thần nối kết chúng ta trong Thánh Lễ tạ ơn này.

    Lạy Thánh Thần sáng tạo, nguồn tình yêu vô biên, Đấng tặng ban ân điển, Đấng an ủi kẻ ưu phiền xin hãy đến chiếu giãi ánh sáng, niềm tin, niềm hy vọng chữa lành mọi vết thương cứng cõi của tâm hồn, trao ban ban bình an, niềm vui, niềm cậy trông. Lạy Thánh Thần tình yêu, xin hãy đến”.

    Sau bài ca nhập Lễ, Cha chánh xứ Vườn Xoài Giuse Trần Thanh Công ngỏ đôi lời cảm ơn Đức Cha, quý Cha, 2 soeur và cộng đoàn.

    Sau lời chào mừng của Cha Giuse, Đức Cha Luy ngỏ lời rất vui mừng nói rằng Đức Cha đã nhận Thỉnh Nguyện Thư để thành lập cộng đoàn Kinh Thánh Cầu Nguyện để đón nhận Cộng Đoàn Kinh Thánh Cầu nguyện có Cha Giuse Nguyễn Trọng Viễn và Cha Xứ Vườn Xoài : “Đức Cha Giám Quản và tôi rất hân hoan  vui mừng đón nhận, chấp nhận Thỉnh Nguyện Thư của anh chị em, chúng tôi chấp nhận bổ nhiệm Cha Giuse Nguyễn Trọng Viễn làm tuyên úy đồng hành cho nhóm trong Giáo Phận Sài Gòn. Người Mẹ đỡ đầu là có Cha Xứ Vườn Xoài của chúng ta”.

    “Nhóm Kinh Thánh Cầu Nguyện là đứa con hoài thai mấy chục năm qua, hôm nay mới chính thức chào đời trong Tổng Giáo Phận Sài Gòn chúng ta… chúng ta cần tổ chức rõ ràng hơn. Hôm nay chúng ta dâng Thánh Lễ tạ ơn Chúa đồng thời mừng sinh nhật đầu tiên. Ngoài Cha tuyên úy chung còn có các cha sở chăm sóc anh chị em … và trong tương lai sẽ có các nữ tu cộng tác với anh chị em hướng dẫn thiêng liêng với anh chị em”.

    Trong bài chia sẻ, Đức Cha Luy ngỏ lời với cộng đoàn :

    “Hôm nay, quả thật Thánh Thần xuống tràn đầy chúng ta … thấy khuôn mặt anh chị em đầy lửa, đầy nhiệt thành hân hoan vui mừng …”

    Một giáo sư sinh lý học kia viết sách về sinh lý học nói nguyên nhân thường là thiếu oxy và dưỡng khí cho các tế bào.

    Rồi bác sĩ Otto Heinrich Warburg đạt giải Nobel y học 1931 nói : các tế bào ung thư đến phát triển và hoạt động trong môi trường thiếu oxy. Dưỡng khí là sự sống. 2 yếu tố quan trọng của sức khỏe là huyết và khí. Chúng ta cần quan tâm đến chuyện ăn uống nhưng ít quan tâm đến chuyện hít thở.

    Quả thật, nhất là trong thời đại hôm nay, của văn minh đô thị. Người ta lo lắng nhiều, người ta bị nhiều áp lực khiến bị căng thẳng rồi mất ngủ. Người ta không quan tâm đến thở. Cho nên thiếu oxy nên có nhiều bệnh tật trong cơ thể. Từ tinh thần qua tâm lý đến thể lý liên quan với nhau.

    Cũng thế, trong đời sống tâm linh là đời sống cao nhất chi phối tất cả tâm lý và thể lý. Chúng ta mà thiếu thần khí thì chúng ta cũngmang lấy bệnh tật và vong thân. Tội lỗi phát triển ghê gớm. Chừng nào có thần khí thì các thứ tội lỗi sẽ biến mất.

    Một cha xứ kia ở Phan Thiết có chia sẻ với tôi : Từ ngày Ngài chăm sóc giáo xứ của Ngài 10 năm qua, Ngài phát những quyển sách Phúc Âm cho các gia đình và chia sẻ Lời Chúa trong các xóm đạo thì từ ngày đó nạn trộm cắp, đĩ điếm, cờ bạc biến mất mà không cần công an. Quyền năng Lời Chúa chính là Thần Khí đẩy lui sự xấu trong các gia đình

    Khi Kinh Thánh cầu nguyện xuất hiện mấy mươi năm qua rất cần. Giáo Hội nhận thấy cần thiết và vui mừng ngày hôm nay chuẩn nhận cho anh chị em để anh chị em làm việc thoải mái. Lâu nay Thánh Thần làm việc không có luật lệ, kỷ cương, người ta nói : “Gió muốn thổi đâu thì thổi” nhưng Thánh Thần của Thiên Chúa, Thánh Thần của Chúa Giêsu Kitô có luật của Ngài và luật đó là luật yêu thương. Chính  Chúa Giêsu Kitô ban luật đó, ban Thánh Thần của Chúa trong ngày Chúa Phục sinh hiện ra. Ngài thổi hơi cho các tông đồ và sai đi loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Thánh Thần của Chúa Giêsu Kitô của Thiên Chúa và Thánh Thần của Hội Thánh biểu lộ qua dấu chỉ gì ?

    Qua 2 bài đọc chúng ta thấy, ở đâu những khác biệt có khi những căng thẳng mà người ta vẫn hiệp nhất thì ở đó có Thánh Thần của Thiên Chúa, có Thiên Chúa nghĩa là có tình yêu. Tình yêu là hiệp nhất trong khác biệt. Khác biệt có khi căng thẳng, có khi gây bất hòa nữa. Cuối cùng vì tình yêu là trên hết nên người ta chấp nhận nhau ở lại làm một với nhau nên một như một gia đình. ở đó có Thiên Chúa, có Thần khí của Chúa Giêsu Kitô .

    Nếu không chấp nhận những khác biệt thì không có Thánh Thần luôn. Ở đâu chỉ là một khối nhất thể ai cũng như ai, thì tất cả đều như một cục đất cục đá đồng nhất thì không có sự sống vì sự sống đòi sự khác biệt luân chuyển từ cao đến thấp. Chia sẻ cho nhau và với tình yêu, những khác biệt ấy kết hợp là một.

    Thánh Phaolô ví điều đó như chúng ta là những bộ phận khác nhau trong một thân thể nhưng làm một thân thể. Sự hiệp nhất của ngày Hiện Xuống khi các tông đồ từ những người nhát đảm loan báo Tin Mừng. Các dân tộc khi đó nghe đều hiểu và tin. Họ là các dân tộc khác nhau trong vùng Châu Á bấy giờ nhưng mà họ đều hiểu tiếng các tông đồ. Và họ tin và họ đón nhận đức tin và hôm đó 3000 người rửa tội. Hình ảnh đó đối nghịch, khác với tháp Babel là con người phân rẽ, chia rẽ, ban đầu cùng một ngôn ngữ nhưng nói không ai hiểu ai. Công trình tháp Babel bỏ dở vì không có hiệp nhất. Hiệp nhất trong Chúa Thánh Thần thì dù có khác biệt bao nhiêu người ta vẫn có thể ở lại nên một với nhau

    Tuần trước tôi có tiếp 2 người : Việt Nam và Pháp Họ yêu nhau. Người nữ không biết tiếng Pháp, chỉ biết tiếng Anh chút chút. 2 người thương nhau 7 năm rồi, họ muốn đến với nhau dù khác biệt lắm. Họ giống nhau 1 điểm là tin Chúa Giêsu Kitô . Anh ở trong phong trào : “Con đường mới”. Chị là một gia đình Bắc Công Giáo đạo đức. Họ khác nhau nhiều lắm, họ khác nhau trong quan điểm về đức tin, giáo lý. Cuối cùng gặp tôi, họ giải tỏa và hiểu nhau.

    Hỏi hai người nói chuyện với nhau bằng gì ? Nói chuyện với nhau qua bàn phím và từ điển. Người này nói chuyện qua từ điển qua bàn phím. Bây giờ không cần từ điển và bàn phím có smartphone dịch cho nhau nghe.

    Những khác biệt của chúng ta không là gì nếu có tình yêu. Tình yêu vượt mọi khác biệt. Không có tình yêu thì trở nên mâu thuẫn và chiến tranh. Thánh Thần ấy chính là Thần Khí luân chuyển trong huyết tức là sức sống trong dòng chảy là Chúa Kitô, là Hội Thánh sẽ làm cho chúng ta được khỏe, sẽ làm hco những bóng tối tử thần được đẩy lùi.

    Dấu chỉ thứ nhất là hiệp nhất.

    Dấu chỉ thứ hai đó là nhiệt thành, ra đi loan báo Tin Mừng không sợ hãi. Các tông đồ dù bị bắt bớ nhưng không sợ hãi, cao rao rao giảng Chúa Giêsu Kitô. Các ngài nói : “Phải tuân giữ, vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm”. Người phàm dẫu là chính quyền hay giáo quyền mà nói ngược lại với Chân Lý thì họ sẵn sàng mạnh mẽ nói về Chân lý. Ngày hôm nay có quá nhiều sự giả trá xuất hiện. Và ma quỷ dùng lời cám dỗ người ta, ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu bằng lời của Chúa Cha, Lời của Kinh Thánh để không biết đâu là thật đâu là giả.

    Với phương tiện truyền thông xã hội ngày hôm nay giả thật lẫn lộn. Người ta đọc tin giả mà tin như thật. Thánh Thần Chân Lý ở đâu ? Nếu chúng ta không có một chỗ bám biết chắc nguồn sự thật, nguồn chân lý, nguồn sự sống thì chúng dễ bị lôi kéo.

    Ma quỷ tinh lắm cho nên bám vào Chúa là bám vào sự thật và là sự sống và cũng là đường đi để bảo đảm chúng ta đi trong Thánh Thần.

    Nhóm Kinh Thánh Cầu Nguyện có lẽ là một dụng cụ của Thiên Chúa, của Thánh Thần để đi ngược dòng đời đầy những khó khăn. Muốn vậy, chúng ta phải có chân lý là Chúa Giêsu Kitô. Bám vào lời của Chúa Giêsu Kitô bằng cách cầu nguyện. Chúng ta nghe đọc lời Chúa luôn trong tâm thái cầu nguyện.

    Bởi vì Lời được nghe, được hiểu bằng trí khôn cần phải trái tim và đi ra bằng hành động. Từ trái tim đi ra bàn tay bằng hành động. Trong tâm thái, nhờ có Thánh Thần chúng ta hiểu đúng Lời Chúa, chúng ta mới đón nhận bằng trái tim và hành động bằng việc làm tay chân của chúng ta để Lời Chúa trở thành hiện thực. Cho nên các Nhóm Kinh Thánh trước hết là cầu nguyện với Lời Chúa, đọc và nghe Lời Chúa trong tâm tình cầu nguyện. Lời Chúa là nơi chúng ta bám vào giữa cuộc đời đầy giả trá.

    Bám vào Chân Lý là Chúa Giêsu Kitô là Lời Chúa. Và Lời Chúa mình đọc trong cộng đoàn vì cộng đoàn Hội Thánh –  thân thể huyền nhiệm của Chúa Giêsu Kitô – Thần Khí của Ngài như là linh hồn trong thân xác không thể tách rời làm cho chúng ta hiểu, làm cho chúng ta yêu mến, làm cho chúng ta trở nên chiến sĩ mạnh mẽ loan báo Tin Mừng giữa bao nhiêu trở ngại, giữa bao nhiêu thử thách trong cuộc đời.

    Thưa anh chị em ! Xin gửi lại cho anh chị em những cột trụ dễ nhớ.

    Lời Chúa như tên của cộng đoàn của chúng ta : Kinh Thánh và cầu nguyện.

    Lời cần được suy niệm thường xuyên, Lời cần được nói thường xuyên bằng hành động.

    Cho nên mốc thứ hai là cùng nhau nhờ sự soi sáng của Thánh Thần là mà điều gì đó xuất phát từ đức tin. Tức là một sứ vụ nho nhỏ cụ thể cho Thánh Thần thúc đẩy khi chúng ta chia sẻ Lời Chúa với nhau và hành động chung ấy là loan báo Tin Mừng cho muôn dân. Khi chúng ta hiệp nhất với nhau làm một hành động xuất phát từ đức tin. thúc đẩy bằng Thánh Thần của Chúa đó là dấu hiệu cho muôn dân, cho lương dân biết chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu Kitô

    Thứ 3, để không làm những nhóm nhỏ như bèo dạt trôi sông, không có chỗ bám, chúng ta là những cộng đoàn Hội Thánh của Chúa Kitô, những cộng đoàn chính thức nhìn nhận và cột trụ thứ ba là chúng ta hiệp thông với Hội Thánh Hoàn Vũ, Hội Thánh Địa Phương. Cụ thể là chúng ta đi trong đường huấn giáo huấn, mục vụ, chân lý của Giáo Hội và Giáo Hội địa phương Chúng ta gắn bó với các cha xứ, chúng ta mời gọi các Cha đến nhìn nhận sự hiện diện của chúng ta để chúng ta là cộng đoàn Hội Thánh chứ không phải là những cộng đoàn tản mát trôi nổi bồng bềnh có khi đi lạc.

    Chúa Giêsu Kitô là trung tâm điểm nhưng Chúa Giêu Kitô ở trong Hội Thánh của Ngài, đức tin chia sẻ Lời Chúa là phải hành động. Và những ai ở gần nhau đó là cột trụ thứ 4, quy tụ lại với nhau. Đó là 4 cột trụ mà ngày hôm nay Giáo Hội toàn Châu Á đang phát động trong các giáo phận giáo hội. Các cộng đoàn cơ bản hôm nay có những nét mới do Chúa Thánh Thần làm đổi mới tác động để thu hút anh chị em sống đức tin. Truyền thống là cần thiết nhưng truyền thống nhờ Chúa Thánh Thần đổi mới. Đổi mới mà không có truyền thống của Hội Thánh thì có nguy cơ lầm lạc cho nên phải gắn bó với nhau.

    Những điều xin nói qua là những điều nói với anh chị em để xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta và cho các Nhóm Kinh Thánh Cầu Nguyện và lần lượt mời gọi những nhóm Kinh Thánh cầu nguyện đang còn chưa gắn chính thức vào chúng ta lần lượt đi vào quy cũ và sáng tạo. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em chúng ta cùng đứng và ca tụng Chúa với bài : “Thánh Thần khấn xin ngự đến”.

    Trước khi ban Phép Lành cuối Lễ, một vị đại diện Nhóm Kinh Thánh Cầu Nguyện ngỏ lời cảm ơn Đức Cha, Quý Cha, quý soeur và cộng đoàn.

    Sau lời cảm ơn Những món quà gói ghém tình cảm của cộng đoàn gửi đến Đức Cha, Cha Tuyên Úy, quý sơ và quý Cha đồng tế.

    Và Cha Giuse Nguyễn Trọng Viễn, dòng Đaminh, ngỏ đôi chút tâm tình với cộng đoàn : “Xin cộng đoàn chúng ta hiệp thông với nhau, chia sẻ với nhau”.

    Tiếp lời của Cha Tuyên Úy, Cha G.B. Nguyễn Văn Luyến – chính xứ Lạng Sơn ngỏ chút tâm tình với cộng đoàn.

    Và, rất tuyệt vời, lời chứng rất thực của hai chàng trai đến từ giáo xứ Lam Sơn và Lạng Sơn với hai lời chứng :

    “Nhờ Lời Chúa tác động, con đã từ bỏ ma túy đến nay hơn 10 năm. Con tiếp tục cầu nguyện cho nên hôm nay con hiện diện trước mặt Đức Cha, quý Cha …”.

    “Nhờ lời Chúa, con bỏ ma túy đến nay 11 năm …”

    Vì thời gian có hạn để rồi còn nhiều lời chứng nữa không được nói ra hôm nay nhưng thật sự sức mạnh của Lời Chúa và lời cầu nguyện rất quyền năng trong cuộc đời của nhiều người.

    Cuối cùng, một cha đồng tế cũng chia sẻ : “Con học Kinh Thánh, có một vị thầy dạy Kinh Thánh cho con từ nhỏ, rất khó tính …. mà anh chị em giáo dân học hết bữa này đến bữa khác, học say mê … Có nghĩa là con cảm nhận và làm chứng là học từ Kinh Thánh, Lời Chúa từ các anh chị. Cầu mong theo với anh chị để Lời Chúa thay đổi mình”.

    Sau bài hát kết Lễ, những tấm hình lưu lại kỷ niệm ngày hôm nay được nhiều phó nhòm ghi lại.

    Thánh Lễ tạ ơn mừng khai sinh Cộng Đoàn Kinh Thánh Cầu Nguyện khép lại trong bầu khí hân hoan và vui mừng. Nguyện xin Chúa Thánh Thần là bổn mạng của Cộng Đoàn luôn đến và ở lại với Cộng Đoàn để cùng đồng hành với Cộng Đoàn trên mọi nẻo đường đời, đặc biệt xin cho các thành viên trong Cộng Đoàn luôn say mê cầu nguyện và yêu mến Lời Chúa và nhất là thực hành Lời Chúa trong cuộc sống thường ngày của mình.

    Hot Topics

    Related Articles