More

    Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật Truyền Giáo

    Suy niệm 1

    Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít
    ————————-

    Đứng trước tình trạng khẩn cấp và vô cùng quan trọng của công cuộc truyền giáo, Chúa Giêsu không những chỉ mời gọi các tông đồ, mà còn tất cả những ai có thiện chí muốn theo Chúa. Thánh Phao lô đã nói: “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng”.
    Qua bài Tin Mừng theo thánh Luca 10, 1-16, Chúa Giêsu ra lệnh cho 72 môn đệ phải đi truyền giáo. Con số 72 không phải là con số chung chung và vô tình. Theo Kinh Thánh, con số 72 là con số biểu tượng ám chỉ toàn cầu. Đó là con số tổng hợp tất cả các quốc gia trên trái đất này được thiết lập sau đại hồng thuỷ. Nói cách khác, Chúa Giêsu mời gọi tất cả những ai có thiện chí đều phải truyền giáo.
    Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Khi nói câu này, Chúa Giêsu không chỉ nghĩ đến hiện tại, mà còn nhìn tới tương tai, tới tất cả mọi dân tộc và mọi quốc gia trên trái đất này vẫn còn đang là cánh đồng không được gặt hái vì thiếu thợ gặt.
    – Người nghĩ đến các quốc gia kitô giáo của thế kỷ chúng ta đang trong tình trạng bỏ đạo.
    – Người thấy trước biết bao người đã chịu phép Thánh Tẩy mà chẳng hay biết gì về đạo trong đó có giáo xứ chúng ta. Người thấy trước Á Châu chúng ta con số người theo đạo kitô là quá ít 3%.
    – Người thấy trước những người kitô xâu xé lẫn nhau …
    – Tuy nhiên, Người cũng thấy biết bao nhiêu con tim khao khát và chờ đợi Tin Mừng. Những con tim này đã được Chúa Thánh Thần hoạt động, họ đang có khả năng đón nhận Tin mừng.
    Những cánh đồng chưa được gặt vì đang thiếu thợ: một mùa gặt vẫn sờ sờ trước mắt đang thiếu người gặt hái. Cay đắng và thất vọng chừng nào! Nhiều người bỏ cả lễ chủ nhật, bỏ gặt lúa thiêng liêng để đi gặt hái và gieo trồng lúa vật chất.
    Ngay bây giờ và lúc này, hơn bao giờ hết: hãy tổng động viên để rao giảng tin mừng. Thiên Chúa cần chúng ta. Thiên Chúa cần tất cả. Hơn nữa, Đức Giáo Hoàng Phaolo VI nói: “Toàn thể Giáo Hội là truyền giáo, sự nghiệp rao giảng Tin mừng là một bổn phận căn bản của dân kitô”.
    Mặc dù có những dấu hiệu tốt trong nhiều họ đạo, nhưng chúng ta không được phép khoanh tay ngồi ì khi mà việc thực hành đạo đang bị giảm sút nơi nhiều người đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy. Phải khẩn cấp hành động! Tội lớn nhất của chúng ta hôm nay là tội bỏ bê và quên sót. Thánh Phaolô và Phêrô đã ngang nhiên nói trước toà án Dothái: “Phần chúng tôi, chúng tôi không thể và không được phép không công bố điều mà chúng tôi đã nghe và đã thấy”. Chúng ta không được phép là những thực dân tình yêu: “Yêu mến Chúa Giêsu và yêu mến anh em thế nào được, nếu chúng ta không khát khao nồng cháy đem Chúa cho thế giới”. Đức Hồng Y Congar nói: “Chúng ta đừng là những nhà tư bản tôn giáo”. Có nghĩa là đừng nhốt Chúa Giêsu trong tủ sắt trái tim chúng ta. Chúng ta đã lãnh nhận Chúa Kitô thì phải mang Chúa Kitô cho người khác nũa.
    Tất cả chúng ta, ai ai cũng có khả năng truyền giáo, đừng viện lý do là không có kiến thức thần học và giáo lý:
    Trong Cựu ước chúng ta thấy: Khi được sai đến vua Pharaon, Moise thưa với Chúa: “Tôi không biết ăn nói”. Và Chúa phán bảo ông:”điều đó không quan trọng, con hãy đi cùng với Aaron, anh ấy biết ăn nói. Còn con, con cứ làm những việc Ta dạy con làm”.
    Thật vậy, ai ai cũng có thể làm được một việc gì đó: giúp họ đạo và giáo xứ trong việc xây sửa, làm cỏ hoặc quét nhà thờ… nhưng nhất là tất cả chúng ta đều có thể làm được điều mà Chúa dạy trong bài tin mừng, đó là cầu nguyện cho ơn gọi, động viên con em đi tu…
    Tuy nhiên, Chúa Kitô không muốn chúng ta thực hiện công cuộc truyền giáo như người làm thuê, làm vì phải làm để được trả công:
    – Người muốn chúng ta thực sự cảm thấy mình được sai đi. Vì thế chúng ta phải có trách nhiệm, tự hào là đã được chọn và ý thức tham dự vào công cuộc sống còn của Giáo Hội và của thế giới, làm cho thế giới thay đổi và thăng tiến hơn.
    – Ngươì muốn chúng ta làm việc thành nhóm, không được làm riêng rẽ và một mình, tránh những ghen tương vì ghen tương là mầm mống của sự chia rẽ.
    – Người muốn đội quân truyền giáo cơ động, nhẹ nhàng hành lý: “Anh em đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép”.
    – Người muốn chúng ta sẵn sàng và nhanh chóng đi bất cứ nơi đâu mà Thánh Thần thổi đến.
    – Người muốn chúng ta đem bình an cho thế giới “Vào nhà nào trước tiên anh em hãy nói: Bình an cho nhà này”. Bình an là sức mạnh đích thực cho những ai tin vào sự sống lại.
    – Sức mạnh của người tông đồ cũng chính là sự đơn sơ nhân ái: con chiên ở giữa sói rừng. Niềm vui và tình yêu của người rao giảng tin mừng có tính lan truyền mạnh mẽ. Họ không đến áp đặt nhưng đề nghị.
    – Người muốn các tông đồ đừng bận tâm đến thành tích. Dagens viết: “Nguy cơ không phải là nhỏ cho những ai đi truyền giáo thích được nổi danh vì những kết quả mình đã đạt được, vì ho nghĩ là đã hoàn thành phận sự về một hình ảnh quá lý tưởng của công cuộc truyền giáo”.
    Dù người ta có đón nhận hay từ chối, chúng ta cứ nói trong mọi trường hợp, cứ loan truyền tình yêu của Thiên Chúa cho hết mọi người. Điều mà Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta là sự thành thật đơn sơ của người tin. Điều đích thực là cái chúng ta là và điều còn lại là công việc của Thiên Chúa.
    Cha Monier nói: “Việc tông đồ của chúng ta không phải là cho người khác những tư tưởng hay ho, nhưng là cho hương vị của Chúa Giêsu”.
    Đọc bài Tin Mừng hôm nay, người giáo dân chúng ta không nên đứng ngoài cuộc. Đừng nghĩ rằng tất cả những đòi hỏi về truyền giáo chỉ áp dụng cho các linh mục và tu sỹ. Ngày nay trên thế giới, có rất nhiều người giáo dân quảng đại đáp trả ơn gọi truyền giáo.
    Cha Poncheville nói: “Có tinh thần truyền giáo chính là biết có một bàn tay Thiên Chúa đã bị đinh đâm thâu, vết đinh đó vẫn không ngừng đâm vào trái tim nhân loại… Có tinh thần truyền giáo chính là biết có một ngọn lửa ngày Lễ Ngũ Tuần đang tìm kiếm các con tim để đốt cháy”.
    Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
    =====================
    Suy niệm 2
    Hữu Phải Truyền Giáo Kitô Đã Là
    (Is 2, 1-5; 1 Tm 2, 4 – 6; Mt 28, 16 – 20)
    Tháng 10, tháng truyền giáo
    Hàng năm, cứ mỗi khi tháng 10 về, Giáo hội lại cùng với con cái mình sốt sáng lần chuỗi Mân Côi và khám phá lại vẻ đẹp của lời Kinh này để cầu cho thế giới được hoà bình. Tháng 10 còn là tháng truyền giáo, Giáo hội cũng kêu gọi con cái mình dấn thân cho việc truyền giáo, nên Đức Thánh Cha đã gửi sứ điệp cho mọi thành phần dân Chúa, khuyến khích họ bước theo Chúa Giêsu “Người rao giảng Tin Mừng đầu tiên và vĩ đại nhất” (Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi, 7), và “lấy nguồn cảm hứng từ Đức Maria, Mẹ của công cuộc Phúc âm hoá” (Sứ điệp Truyền giáo 2017, số 10) để lên đường truyền giáo.
    Nhưng truyền giáo để làm gì ?
    Để nhắc lại rằng bản chất của Giáo hội là truyền giáo ; mục đích đầu tiên của Giáo hội khi được Chúa Giêsu thiết lập là truyền giáo.
    Ai phải truyền giáo?
    Là chi thể của Hội Thánh, tất cả những người đã chịu phép rửa tội phải thi hành nhiệm vụ truyền giáo. Điều này không có ý nói họ phải đi thật xa. Những nơi nào có họ, họ phải truyền giáo. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô nói :  “Không ai được ngưng nghỉ việc này, vì là bổn phẩn khẩn thiết của ngày hôm nay”. Với lại, chính Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta : “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân ” (Mt 28, 19). Thánh Phaolô kêu lên: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9, 16).
    Giáo hội tự bản chất là truyền giáo.
    Nếu như Isaia con trai Amót được thị kiến: “Các dân nước sẽ đổ xô về núi Chúa… trong ngày sau hết” (x. Is 2, 1-5). Thánh Phaolô cho người con tinh thần của mình biết: “Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu rỗi” (x.1 Tm 2, 4 – 6). Cả bốn sách Tin Mừng đều nêu bật ý nghĩa của việc truyền giáo, nội dung sứ vụ mà Chúa Giêsu trao cho Giáo hội, chứng tỏ bản chất của Giáo hội là truyền giáo. Chính Chúa Giêsu Phục sinh đã nói với các tông đồ nơi Phòng Tiệc Ly như sau: “Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con” (Ga 20, 21). Đến lượt Chúa Con cũng sai Giáo hội ra đi cho đến tận cùng trái đất. Ðây là sứ điệp duy nhất phát xuất từ Thiên Chúa gửi đến hết mọi người ngõ hầu họ được cứu chuộc và trở nên con cái Thiên Chúa.
    Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh: Sứ vụ truyền giáo là “bổn phận của toàn thể Giáo hội”, vốn “tự bản chất là thừa sai” (Ad gentes, 2). Trích dẫn lời Đức Phaolô VI, ngài tiếp: “Giáo Hội hiện hữu để truyền giáo, để giảng thuyết và giáo huấn, để làm máng chuyển quà tặng của các ân sủng, để hoà giải các tội nhân với Thiên Chúa, để trường tồn hy lễ của Chúa Kitô trong Thánh Lễ, đó là việc tưởng niệm cuộc tử nạn và phục sinh vinh hiển của Người.”
    Ðức Bác Ái là linh hồn của sứ mạng truyền giáo.
    Thánh Phaolô viết: “Tình Yêu Chúa Kitô thôi thúc tôi” (2 Cr 5, 14). Đức Kitô thúc bách những người đã chịu phép Rửa tội nam phụ cũng như lão ấu, kể cả người đau yếu lẫn người nghèo, khi đã đón nhận tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, có sứ mạng rao giảng và mang tình yêu cho hết mọi người, bằng lời nói và chứng tá cụ thể của Đức Ái. Truyền giáo là gì nếu không phải là loan báo Tin Mừng về tình yêu của Thiên Chúa như chính Chúa Giêsu đã làm. Người không những đã hăng say loan báo tình yêu của Thiên Chúa cho mọi người, Người còn hy sinh mạng sống để làm chứng cho tình yêu đó.
    Nhân dịp Đại Năm Thánh 2000, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Sứ mạng của Giáo Hội kéo dài sứ mạng của Chúa Kitô. Giáo Hội không ngừng rao giảng cho thế giới Tình Phụ Tử của Thiên Chúa, bằng việc rao giảng và bằng chứng tá của những con cái mình…nhờ việc thực hành mệnh lệnh tình thương đối với Thiên Chúa và đối với anh chị em”. Ngài cũng khuyến khích mọi thành phần trong Giáo hội can đảm khởi hành “mùa truyền giáo mới”, vì “Giáo hội cần đến với con người, với sự tế nhị và tôn trọng của một người phục vụ. Và Giáo hội tin tưởng rằng công việc phục vụ trước tiên và cao cả nhất là công việc rao giảng Tin Mừng Chúa Kitô”, ngài kêu gọi: “Anh chị em đừng sợ: hãy mở toang mọi cửa để tiếp đón Chúa Kitô” (Huấn Đức ngày 22 tháng 10/2000, tại Roma).
    Cử hành ngày Thế giới Truyền giáo năm nay với chủ đề: “Việc Truyền Giáo ở tâm điểm của Đức Tin Kitô giáo”. Trong lời mở đầu, Đức Thánh Cha Phanxicô viết : “Hội Thánh tự bản chất là truyền giáo; nếu không, Hội Thánh không còn là Hội Thánh của Đức Kitô nữa” (Trích Sứ điệp truyền giáo 2017). Ngài gợi lên một số vấn nạn cốt yếu để chúng ta suy nghĩ và hành động như : “Nền tảng việc truyền giáo của chúng ta là gì? Tâm điểm việc truyền giáo của chúng ta là gì? Chúng ta phải có cách tiếp cận cơ bản nào để thi hành công việc truyền giáo?” Ngài trích lời của thánh Iréné : “Vinh quang của Thiên Chúa là chính con người sống” (Irênê, Adversus Haereses IV, 20, 7). Chúa Giêsu đến để cho con người không những được sống mà còn sống dồi dào. Vì thế, “việc truyền giáo của Hội Thánh không thể là quảng bá một ý thức hệ tôn giáo, càng không thể là đề nghị một học thuyết đạo đức cao siêu… Truyền giáo là trình bày cho con người thời nay biết Chúa Giêsu phục sinh đang sống giữa chúng ta, những ai đón nhận Người thì với đức tin và đức mến có thể trải nghiệm sức mạnh biến đổi của Thần Khí Người” (số 3). Ngài viết tiếp : “Thế giới vô cùng cần Tin Mừng Đức Giêsu Kitô” (số 5) ; Ngài nhắc nhở mọi thành phần dân Chúa “đừng bao giờ quên rằng, là Kitô hữu không phải là kết quả của một chọn lựa đạo đức hay một ý tưởng cao siêu, nhưng là gặp gỡ với một biến cố, một Người, sự gặp gỡ ấy tạo cho cuộc đời một chân trời mới và một hướng đi quyết định”(Bênêđictô XVI, Deus Caritas Est, 1). Ngài thêm : “Truyền giáo nhắc nhở Hội Thánh rằng mình không phải là một mục đích tự tại, nhưng là một dụng cụ và trung gian khiêm tốn của Nước Trời” (số 7), và Đức Giáo hoàng nhấn mạnh đến người trẻ, ngài viết : “Giới trẻ là hy vọng của truyền giáo. Con người Đức Giêsu Kitô và Tin Mừng Người công bố tiếp tục thu hút nhiều người trẻ” (số 8). Cuối cùng ngài khuyên: “Chúng ta hãy lấy nguồn cảm hứng từ Đức Maria, Mẹ của công cuộc Phúc âm hoá. Được Thần Khí thúc đẩy, Mẹ đã đón nhận Lời sự sống trong đức tin khiêm cung thâm sâu của Mẹ”.
    Xin Đức Trinh Nữ giúp chúng ta nói lên lời “xin vâng” của mình, khi ý thức nhu cầu cấp bách phải làm cho Tin Mừng của Đức Giêsu vang dội trong thời đại chúng ta. Amen.
    Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

    Hot Topics

    Related Articles