More

    Linh mục Olaf rao giảng Phúc Âm trên toa xe lửa

    Linh mục Olaf Lindenberg, thuộc địa phận Limbourg quyết định đi gặp người đồng thời với mình. Mỗi tuần cha đi chuyến xe lửa từ Limbourg đến Francfort-sur-le-Main và nói chuyện với hành khách nào muốn nghe cha nói.Linh mục Olaf rao giảng Phúc Âm trên toa xe lửa

    Đây là một ý tưởng đơn giản nhưng lại rất thành công. Trong suốt Mùa Chay, linh mục Olaf Lindenberg thuộc giáo phận Limbourg, nước Đức đi gặp giáo dân trên xe lửa. Mỗi tuần một lần, thường là ngày thứ ba, cha lên xe lửa chuyến 6 h 55 sáng, đi từ Limbourg đến Francfort-sur-le-Main. Cha cho biết: “Tôi ngồi ở toa đầu, lúc nào tôi cũng cùng một chỗ và tôi chờ. Khách đi xe nhìn cổ áo La Mã của tôi, họ biết tôi là linh mục và họ đến nói chuyện với tôi nếu họ muốn”. Cũng vậy với chuyến về, tôi đi chuyến xe 17 h 01 ở hướng ngược lại. Trên chuyến xe, linh mục Olaf mang đến sự hiện diện và lắng nghe của mình.

    Cha kể: “Toa xe là nơi công cộng. Khách đi xe không nói chuyện mưa gió với tôi nhưng họ nói những gì chạm đến tâm hồn họ, dù chuyện đó tích cực hoặc tiêu cực. Tuy vậy, chúng tôi hiếm khi nói đến các vấn đề hiện sinh. Câu hỏi về Chúa thường được đề cập đến một cách gián tiếp và kín đáo. Quan trọng nhất là hành khách biết có người muốn nghe họ. Đó là một nhu cầu rất rõ ràng”. Ngoài việc đi xe lửa, linh mục

    Olaf Lindenberg còn viết một trang blog có tên “Cầu nguyện một cách khác” để tháp tùng những người chưa bao giờ cầu nguyện, họ không biết cầu nguyện như thế nào hoặc nghĩ chỉ có các “người đi tu mới biết cầu nguyện”.

    Trên trang blog, linh mục Lindenberg viết mỗi ngày một lời cầu nguyện, ngoài bài viết cha còn thâu băng lời cầu nguyện của mình. Cha giải thích: “Nhiều người nói với tôi họ không có thì giờ cầu nguyện, nhưng chúng ta không cần có nhiều thì giờ để cầu nguyện, chỉ cần có một khoảng không gian nhỏ”. Cha Olaf 52 tuổi, cha chịu chức linh mục từ 26 năm nay, cha có mái tóc vàng, mang mắt kiếng màu xanh lơ, cha cho biết mình được đánh động bởi các bài viết của bà Madeleine Delbrêl người Pháp, bà “mời gọi Giáo hội nên ở nơi nào có người dân”.

    Cha Olaf nhận xét: “Trên thực tế, nơi gặp gỡ ít quan trọng, chúng ta ở đó để được lắng nghe. Đẩy cánh cửa nhà thờ cũng như bấm chuông để gặp cha xứ có thể có tác động. Nhưng trên xe lửa, tôi gặp đủ mọi người, những người tin hay không tin, thường tôi không biết gì về họ”.

    Với sáng kiến đi xe lửa và viết blog, cha Olaf mở một cánh cửa: “Chúng ta biết sứ mạng của Giáo hội công giáo chúng ta nhưng chúng ta cũng biết, để nhà thờ không bị trống, chúng ta không thể tiếp tục như trước. Quan trọng là phải thử tìm các cách mới. Mùa Chay là muà thuận lợi, là thời gian để canh tân lại”.

    Bây giờ cha Olaf không còn thuộc một giáo xứ nào nhưng cha có nhiệm vụ tháp tùng thiêng liêng các thầy phó tế nên cha có dịp “thử nghiệm” các kinh nghiệm khác. Đứng trước thành công “rất tích cực” của kinh nghiệm đầu tiên, cha quyết định tiếp tục kinh nghiệm này ngoài Mùa Phục Sinh. Cho đến lễ Hiện Xuống, cha sẽ tiếp tục tuyến đường xe lửa Limbourg – Francfort và tiếp tục viết mỗi ngày một lời cầu nguyện trên trang blog của mình.

    Marta An Nguyễn dịch

    Hot Topics

    Related Articles