More

    Đức Cha AnPhong Nguyễn Hữu Long giảng Trong Thánh Lễ An Táng Cha Cố Antôn

    Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

    Cáo phó của Tòa Giám Mục Đà Nẵng cho biết cha Antôn Nguyễn Trường Thăng trút hơi thở cuối cùng vào lúc 5g00 sáng ngày lễ Hiển Linh. Chi tiết này làm tôi liên tưởng năm xưa tại Bêlem, khi đêm tối lui đi nhường chỗ cho ánh bình minh ló rạng, chính là lúc ngôi sao lạ hoàn thành sứ mạng của mình, dẫn đường cho ba đạo sĩ phương Đông đến trước căn nhà Thánh Gia trú ngụ để họ gặp được Chúa Hài Nhi. Thánh ý Chúa an bài để vào rạng đông lễ Hiển Linh năm nay, lúc 5g00 sáng, một ánh sao khác cũng hoàn tất sứ mạng của mình, lịm tắt để trở về với Chúa. Ngôi sao ấy là linh mục Antôn Nguyễn Trường Thăng.

    Có người sẽ nghĩ là táo bạo chăng khi ví von cha Antôn Thăng là một ánh sao sáng ? Đối với tôi, người được sống bên cạnh ngài nhiều thời kỳ, nhiều năm, nhiều nơi, thì điều đó không quá đáng.

    Nói được ngài là một người tài hoa : thông minh, phán đoán nhanh nhạy, sắc bén, nhìn xa trông rộng, đa tài trong nhiều lãnh vực như lịch sử, hội họa, nhiếp ảnh, sưu tập đồ cổ, thông thạo văn hóa Chàm (trước khi mất, ngài còn được trông thấy đứa con tinh thần chào đời, tập sách mang tên “Lưu dấu Champa”), giao tế rộng. Ngài đảm nhiệm nhiều giáo vụ (hạt trưởng, tư vấn, quản xứ nhiều giáo xứ lớn như Trà Kiệu, Chính Tòa, Thanh Bình, Hội An), Năm 2010, ngài mở một trang blog với hơn 600 bài viết về nhiều vấn đề, khai thác nhiều tư liệu cổ…, ngài biết vận dụng những tiến bộ của khoa học để chuyển tải kiến thức đạo-đời. Về đức hạnh, sống gần ngài, tôi nhận thấy ngài đức độ, có nhiều đức tính như quảng đại, sẵn sàng giúp đỡ, cao thượng, không chấp nê, vui tính, luôn đem niềm vui đến mọi người chung quanh…

    Cha Antôn được Chúa và mọi người thương mến, có thể nhận thấy điều ấy trong những ngày vừa qua và hôm nay, trong thánh lễ an táng ngài. Có thể nói đó là sự tôn vinh chúng ta dành cho ngài, những con người dành cho con người. Quan trọng hơn và đúng hơn phải là tìm sự tôn vinh Thiên Chúa dành cho cha Antôn, mà chúng ta thấy rất là khác biệt và đòi hỏi gắt gao !

    Chúa tôn vinh một người khi người ấy biết đáp trả tích cực đòi hỏi của Lời Người : “Đã ban cho ai nhiều thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều thì sẽ đòi hỏi kẻ ấy nhiều hơn” (Lc 12,48).

    Cha Antôn đã đáp lại những ân huệ Chúa ban bằng sự trung thành với thiên chức linh mục suốt 48 năm qua, và 76 năm cuộc sống. Ở đâu và trong sứ vụ nào, ngài đều nỗ lực làm vinh danh Chúa. Có những nơi và những thời kỳ việc thi hành sứ vụ linh mục rất khó khăn và tế nhị, nhưng với lòng kiên trì nhẫn nại, ngài đã hành xử khôn ngoan, tốt đẹp.

    Chúa còn đòi hỏi sự đáp trả tích cực của con người trước nghịch cảnh. Các bài đọc Lời Chúa trong thánh lễ nói đến khổ đau, bệnh tật và sự chết. Đứng trước những điều ấy, thường ai cũng sợ hãi và tránh né. Ở điểm này, cha An-tôn đã đáp trả rất giống với Chúa Giêsu.

    Trong bữa Tiệc Ly trước khi chịu chết, Chúa thốt ra : “Lúc này tâm hồn thầy xao xuyến và không biết nói gì”. Ở vườn Cây Dầu, Chúa cầu nguyện : “Lạy Cha, nếu được, xin cho con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý con, một theo ý Cha”. Ngài mướt mồ hôi máu khi nghĩ đến các hình khổ và cái chết đang rình rập. Trước khi tắt thở, Ngài kêu lên thảm thiết: “Cha ơi, Cha ơi, sao Cha nỡ bỏ con”.

    Cha Antôn cũng vậy. Khi biết mắc bệnh hiểm nghèo, ngài không khỏi xao xuyến, kể cả lo sợ. Trên trang facebook ngày 7.12.2017 có đăng tấm hình chụp ngài đứng trong bóng tối ngó ra ánh sáng rực rỡ đẹp đẽ lôi cuốn bên ngoài, với hàng chữ : “Không làm việc được, miệng đau, bụng đau, sốt, buồn”.

    Cuộc khổ hình đeo đuổi cha Antôn đúng 1 tháng, đau đớn trong những ngày cuối cùng. Một người bạn của ngài, cha Võ Tá Khánh, đến thăm lúc ngài đang hấp hối, đau đớn khôn tả. Cha Khánh kể lại : “Răng và miệng liên tục rỉ máu nên khó nói… Ngài ra hiệu cho biết rất đau từ ngực lên cổ và bất ngờ nói rất rõ ba tiếng: “giải quyết nhanh”. Mình hiểu là xin cầu nguyện để Chúa giải quyết nhanh”. Thật giống Chúa trong cơn hấp hối xin được khỏi uống chén đắng.

    Và như Chúa Giêsu liền sau đó đã xin vâng theo ý Chúa Cha, thì cha Antôn lúc ấy cũng thực hiện cách quyết liệt nhất câu châm ngôn đời linh mục của ngài : “Vâng ý Cha”. Ngài tâm sự với một học trò cũ : “Xin được bắt chước Đức Mẹ thưa xin vâng”. Ngài bình an khi đón nhận thánh ý Chúa, như thi hào Dante nói : “Thánh ý Chúa là sự bình an của ta”. Cha Võ Tá Khánh viết thêm trong lá thư nói trên : Nét mặt và phản xạ của Cha rất bình an. Khi mình cầu nguyện thì ngài hiệp thông sâu xa”.

    Thánh Phaolô xác quyết : “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người” (2Tm 2,11-12). Chúa Giêsu đã dạy chân lý sau : “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không chết đi, thì chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó chết đi, thì sẽ sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Thầy, hãy theo Thầy, và Thầy ở đâu, thì người phụng sự Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Thầy, Cha sẽ tôn vinh người ấy”.

    Lòng yêu thương quý mến chúng ta dành cho cha Antôn mở ra niềm hy vọng bất diệt, là mong ước cho cha Antôn từ đây được an nghỉ bên Chúa trong cõi trời mới và đất mới, nơi không còn đau khổ, khóc lóc, nước mắt, không còn sự chết, mà chỉ có niềm hoan lạc vĩnh cửu, bình an vô tận, ở bên Chúa và trong Chúa.

    Chúa đã ban cho cha Antôn nhiều, Chúa đã đòi ngài nhiều. Đáp lại, ngài đã yêu mến Chúa trong mọi tình huống vui buồn sướng khổ của kiếp người và của ơn gọi linh mục. “Chúa đã thử thách ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận ngài như của lễ toàn thiêu. Trong giờ Chúa viếng thăm, xin cho ngài chói sáng như ánh lửa rạng ngời giữa bụi lau” (cf. Bđ I). Như vậy ngôi sao Antôn dẫu lịm tắt ở trần thế này, nhưng sẽ tiếp tục chói sáng trên Nước Trời. Amen.

    Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long

    Giám mục Phụ tá Hưng Hóa

    Hot Topics

    Related Articles