More

    Bài giảng lễ Giáng Sinh 2018 của Đức cha Giuse Nguyễn Đức Cường

    Kính thưa quý ông bà và anh chị em,

    Cách đây hơn 2000 năm, Sứ thần Chúa đã báo tin cho các mục đồng vùng Bêlem như sau: “Các ngươi đừng sợ, đây Ta mang đến cho các ngươi một tin mừng đặc biệt, đó cũng là tin mừng cho cả toàn dân: “Hôm nay, Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế đã giáng sinh cho các ngươi… và đây là dấu hiệu để các ngươi nhận biết Người: Các ngươi sẽ thấy một Hài Nhi mới sinh, bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ”. Bây giờ và lúc này, Sứ Thần Chúa cũng đang loan báo TIN VUI này cho mỗi người, cho Giáo Phận chúng ta như thế: “Hôm nay, Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế đã giáng sinh cho các ngươi”. Tại sao việc Ngôi hai Thiên Chúa là Con Thiên Chúa làm người lại là tin vui cho chúng ta?

    Để trả lời câu hỏi này, tôi xin kể cho mọi người câu truyện sau đây: Một vị quan lớn mở tiệc, mời nhiều người đến dự. Tất cả các người được mời đều ăn mặc sang trọng và dùng xe đi đến. Trong số ấy có một người khách già. Rủi thay vì già yếu nên khi xuống xe, cụ đã trượt chân té vào vũng nước bùn. Những người khác thấy vậy đều cười ồ lên. Cụ già xấu hổ nên quyết định quay về. Gia nhân của vị quan lớn nài nỉ cụ cách mấy cụ vẫn không chịu ở lại. Người ta báo tin cho Quan lớn. Quan lớn đã bước ra sân, đi tới vũng nước đó, rồi cố tình té vào vũng nước. Thế là quần áo của Quan lớn cũng dơ bẩn y như cụ già kia. Mọi người chung quanh không ai dám cười nữa. Sau đó, vị Quan lớn cầm tay ông cụ dẫn vào phòng tiệc. Cụ khách già bước vào phòng tiệc lòng tràn ngập niềm vui.

    Việc làm của vị Quan lớn ấy thật không ai ngờ, nó giúp ta hiểu được phần nào việc Con Thiên Chúa làm người và tại sao việc Ngài làm người lại là một niềm vui cho chúng ta.

    Thật vậy, Ngôi Hai Thiên Chúa là Đấng đầy quyền năng, không có gì mà Ngài không làm được, ấy thế mà Ngài đã được sinh ra nơi hang đá dành cho súc vật. Ngài hằng có và sống mãi, ấy thế mà khi nhập thể làm người trong thế giới này, ngài trở nên y như chúng ta: trần truồng, yếu đuối, bơ vơ lạc lõng, dể mắc bệnh và dễ chết. Giống như mỗi người chúng ta, Ngài phải nhờ đến người khác giúp đỡ, săn sóc. Ngài cũng biết đói, biết khát y như chúng ta. Và còn tệ hơn chúng ta, Ngài bị nhạo cười, bị hất hủi, và thậm chí bị coi là tội nhân, hạng rốt cùng trong xã hội, phải chịu một cái chết tồi tệ nhất mà con người có thể chịu đựng được, đó là cái chết thập giá, một cái chết dành cho một tên tử tội, một người phải bị loại trừ khỏi xã hội. Khi đến với thế giới của chúng ta, Ngài không được các nhà lãnh đạo thế giới, những bậc danh giá thời đó chào mừng. Trái lại, Ngài đã được tiếp đón bởi những mục đồng hôi hám, thuộc giai cấp thấp hèn. Khi đến thế giới này, Ngài đã tự đồng hóa mình với người nghèo, người đau khổ, với người vô gia cư, thậm chí với người tội lỗi.

    Như thế, Ngài đã hạ mình xuống tới mức thấp nhất, để những ai cảm thấy mình khổ cực nhất, đói nghèo nhất, bị khinh khi nhất cũng thấy mình được Ngài chia sẻ, nâng đỡ. Nhưng nếu chỉ có thế, thì việc Ngài nhập thể làm người chưa phài là một tin vui. Sở dĩ, việc Ngài Nhập Thể là một tin vui cho chúng ta, vì cũng như việc Quan lớn đã ngã xuống vũng nước dơ như cụ khách già để cụ già có thể vào phòng tiệc cách tự nhiên, vui vẻ, thì việc Ngài hạ mình xuống hạng người rốt cùng trong xã hội là để đưa loài người chúng ta lên làm Con Thiên Chúa, làm Thiên Chúa như Ngài.
    Bởi vậy, việc Con Thiên Chúa làm người hôm nay là một tin vui vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta, yêu từng người chúng ta đến nỗi đã gửi tới chính Người Con Một yêu dấu của Ngài đến làm người y như chúng ta, ở với chúng ta và nâng chúng ta lên với Ngài, ban cho chúng ta phẩm giá cao cả, phẩm giá của Con Thiên Chúa.

    Có lẽ quý ông bà và anh chị em đã chứng kiến những nỗi đau của người thân, người lân cận. Cũng thế, các linh mục chúng tôi khi đến gặp gỡ, thăm hỏi và giải tội cho các bệnh nhân, chúng tôi đã gặp những ông bà bất toại liệt giường, những người suốt ngày chỉ làm bạn với chiếc xe lăn, những người luôn cảm thấy đau đớn, những người bị tật nguyền, tay chân co quắp, những người mất trí, lúc cười lúc khóc, những người mang những nỗi đau tinh thần vì con cái, vì tội lỗi ám ảnh. Những gia đình nghèo khổ, những gia đình bất hòa, những gia đình tan vỡ, những người con không còn được sống chung với cả bố mẹ vì bố mẹ đã đi lập gia đình khác. Tôi nghĩ nếu chỉ có đời này, chết là hết, thì họ quá bị thiệt thòi, chẳng còn hi vọng gì hay sống mà như đã chết và không biết mình sống để làm gì? Nhưng khi nghĩ Chúa hạ mình xuống hạng người khổ đau nhất, thiệt thòi nhất là để chia sẻ, để nâng họ lên, để nâng họ lên một phẩm giá cao cả nhất là trở nên con Thiên Chúa như Ngài, để đưa họ vào chốn hạnh phúc muôn đời, thì chúng tôi thấy niềm vui dâng trào. Mừng cho họ, mừng cho chúng ta, cũng như cho mọi người. Do đó, việc cử hành Mầu nhiệm Giáng sinh của Chúa Giêsu, chính là việc cử hành niềm tin và hy vọng, để chiến thắng những bất ổn và bi quan. Và đây là lý do để chúng ta hy vọng: Thiên Chúa ở cùng chúng ta và vẫn còn tin tưởng chúng ta!… Ngài đến để sống với con người, Ngài chọn cư ngụ trên trái đất để ở lại với con người, để sống tại nơi con người vẫn sống trong niềm vui hay nỗi đau. Vì vậy, trái đất không còn là ‘thung lũng đầy nước mắt’ nữa mà là nơi mà Thiên Chúa đến cắm lều, là nơi Thiên Chúa gặp gỡ con người, là nơi Thiên Chúa liên đới với con người.

    Con Thiên Chúa Giáng Sinh làm người không chỉ mang lại cho chúng ta phẩm giá cao cả, phẩm giá làm con Thiên Chúa, mà Ngài còn trao cho chúng ta một sứ mạng cao cả là nhận ra những người khác cũng có phẩm giá con Thiên Chúa như mình để kính trọng và yêu thương họ.

    Vì thế, món quà tuyệt diệu của Đêm Cực Thánh này, đêm Thiên Chúa giáng sinh làm người và ở cùng chúng ta là sức mạnh thiêng liêng giúp chúng ta không bị gục ngã dưới sức nặng của khổ nhọc, của tuyệt vọng và buồn phiền.

    Trong niềm vui đang dâng trào do Chúa giáng sinh làm người mang lại này, chúng ta hãy thành khẩn xin Chúa Hài Đồng ban bình an cho chúng ta. Xin Chúa Hài Đồng hãy thắp sáng lên niềm hi vọng nơi những người đang ốm đau, bệnh tật, đau khổ thể xác và tinh thần. Đặc biệt, chúng ta hãy khẩn khoản nài xin Chúa cho mọi người trong Giáo Phận chúng ta được sức mạnh của Chúa nâng đỡ, được tình thương của Ngài khích lệ, cố gắng sống những điều mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong Thư Mục Vụ năm 2018 kêu gọi mọi tín hữu Việt Nam hãy “đồng hành với những gia đình khó khăn”: đó là các gia đình di dân, các cặp hôn nhân khác đạo, những gia đình bị đổ vỡ. Hãy chia vui sẻ buồn, thăm hỏi, an ủi, giúp đỡ, cầu nguyện cho họ. Rất ước mong việc đồng hành với các gia đình gặp khó khăn phải nổi bật lên trong các Giáo xứ, Giáo phận của chúng ta, để cùng với các công việc mục vụ khác, Giáo phận và các Giáo xứ của chúng ta trở thành giếng nước đầu làng ngon ngọt và trong lành, hầu mọi người, nhất là những gia đình đang đau khổ, vui mừng đến kín múc và để mỗi người cảm thấy hạnh phúc khi được sống trong Giáo phận Thanh Hóa thân yêu này.

    Một lần kia, “Thánh Phanxicô khó khăn” quỳ trước máng cỏ suy niệm về mầu nhiệm Chúa xuống thế làm người, thì ngài cảm thấy tâm hồn dào dạt yêu mến đến độ không chịu được, ngài đã chạy ra các đường phố Assisi, vừa chạy vừa la lớn: “Hỡi anh chị em, hãy yêu mến Chúa Hài Đồng”. Chúng ta hãy yêu mến Chúa Hài Đồng vì Chúa xuống để chúng ta được lên, Chúa xuống thế làm người để chúng ta được trở nên Con Thiên Chúa, Chúa chấp nhận sống nghèo để chúng ta trở nên giầu sang, không phải là sự giầu sang về tiền bạc, nhưng là giầu sang về tình yêu, đó là biết cho đi, biết thông cảm và yêu thương mọi người, nhất là những người nghèo khổ, những gia đình đang thiều vắng tình yêu. Kính chúc quý ông bà và anh chị em một mùa Giáng Sinh đầy tràn ơn Thiên Chúa, quảng đại, vui tươi và bình an.

    +Giuse Nguyễn Đức Cường
    Giám mục Giáo phận Thanh Hóa

     

     

     

    Hot Topics

    Related Articles