More

    Ðaminh Trạch (Ðoài) (1792-1840)

    Ðaminh Trạch (Ðoài) (1792-1840)Ðaminh Trạch (Ðoài), linh mục, Dòng Ba Ða Minh; sinh năm 1792 tại Ngoại Bồi, Nam Ðịnh; chết 18 tháng 9 năm 1840, tại Bảy Mẫu. Thánh Trạch, môt linh mục bản xứ Ða Minh 49 tuổi, đã hoạt động để rao giảng Phúc Âm cho dân chúng cho đến khi bị bắt. Năm sau, ngài được phép lựa chọn là được sống hay chết vì chối đạo. Ngài thú thật là có đạo và khuyến khích các bạn hữu trước khi bị xử trảm. Phong Á Thánh 1900. Lễ kính ngày 18 tháng 09.
    Cậu Ða Minh Trạch chào đời năm 1793 tại họ Ngoại Vối, tỉnh Nam Ðịnh. Cậu vào ở với cha xứ từ thuở bé. Trong thời vua Gia Long, cậu được học đầy đủ chương trình ở chủng viện và thụ phong linh mục năm 30 tuổi. Năm sau, cha xin vào Dòng Ða Minh và tuyên khấn ngày 3-6-1825.

    Những người làm chứng trong hồ sơ phong thánh ca tụng cha Trạch sống nghiêm ngặt và hết lòng tuân giữ kỷ luật dòng. Tuy mang trong mình chứng bệnh lao phổi nan y, cha vẫn giữ đủ luật ăn chay hãm mình và chu toàn mọi công tác. Cha coi xứ Quần Cống, sau đó là Viên Ðông, rồi về Lục Thủy để dưỡng bệnh và kiêm nhiệm việc linh hướng cho các chủng sinh.

    Năm 1839, cha bị bắt ở Ngọc Cục, nhưng dân làng đã chuộc cha về. Ngày 11-4-1840, khi cha lên Ngưỡng Nhân để thăm hai linh mục Vinh và Thản, bị quân lính phát hiện và bị bắt ở Sa Châu, sau đó quân lính giải cha về Xuân Trường, rồi về Nam Ðịnh.

    Trong tù, mặc dù kiệt sức vì mắc bệnh, cha vẫn cố gắng an ủi khuyên nhủ các giáo hữu và giải tội cho họ, đặc biệt cha đã cảm hóa được thầy Tô-ma Toán, người đã chối đạo.

    Ra tòa lần nào cha cũng bị vặn hỏi về linh mục Héc-mô-xi-la Vọng Dòng Ða Minh, vị Thừa sai Tây Ban Nha mà quan tưởng là người cuối cùng chưa bị bắt. Quan còn hứa trả tự do nếu cha chịu bước qua thập giá và đe dọa : “Hãy nhìn cây thập giá kia, một là bước qua hai là chết.” Cha Ða Minh Trạch không trả lời ngay, tự động quỳ xuống hôn kính thánh giá rồi quay về phiá quan và nói : “Thưa quan, thánh giá là giường Chúa Ki-tô nằm chết thay cho nhân loại, nếu quan muốn sự sống đời đời, xin quan kính lạy thánh giá này. Tôi thà bị chết chớ không bước qua thánh giá.”

    Nghe vậy, quan tổng đốc nổi giận tát vào mặt nhà giảng thuyết, rồi đấm đá túi bụi. Quan bắt lính cầm hai đầu gông khiêng cha qua thánh giá, nhưng cha co chân lên mặc cho quân lính đánh đập tàn nhẫn. Vừa mỏi mệt thất vọng, vừa phẫn nộ điên cuồng, các quan đồng thanh kết án xử trảm cha. Ngày 18-9-1840, bản án được vua Minh Mạng châu phê ra tới Nam Ðịnh và được thi hành ngay tức khắc.

    Ðến nơi xử, lính tháo gông cho cha. Sau một phút cầu nguyện, cha Trạch đưa đầu lãnh nhát gươm tử đạo tiến về Nước Hằng Sống. Thi thể cha được an táng tại chỗ, năm sau, các tín hữu cải về nhà chung Lục Thủy.

    Ngày 27-5-1900, đức giáo hoàng Lê-ô XIII suy tôn cha Ða Minh Trạch lên bậc chân phước. Ngày 19-6-1988, đức giáo hoàng Gio-an Phao-lô II nâng người lên bậc hiển thánh.

    Lời nguyện: Lạy chúa, Chúa đã tưới gội quê hương Việt Nam chúng con bằng máu của thánh Ða Minh Trạch. Nhờ sự chuyển cầu của người, xin cho hạt giống đức tin và sự nhận biết Chúa Ki-tô luôn được triển nở mạnh mẽ trên quê hương chúng con. Chúng con cầu xin

    Nguồn từ Đa Minh

    Trường Thi Tử Đạo

    Ðaminh Trạch sinh năm Quý Sửu (1793)
    Thuộc Thành Nam giáo hữu Ngoại Bồi
    Sách đèn kinh sử luyện truôi
    Chương trình chủng viện thông xuôi rõ ràng

    Rồi sau đó chuyển sang thần học
    Ðại chủng sinh cắt tóc tu trì
    Thụ phong Linh mục hướng đi
    Tông đồ phục vụ thực thi khấn dòng

    Sống nhiệm nhặt nằm trong kỷ luật
    Mang trong mình bệnh tật nan y
    Ăn chay giữ luật khắc ghi
    Chu toàn trách nhiệm rất thì hăng say

    Coi Quần Cống sau này Lạc Thủy
    Cha về đây để nghỉ dưỡng hưu
    Chủng sinh linh hướng dắt dìu
    Ngài kiêm cố vấn tham mưu cộng đoàn

    Cha bị bắt khi sang Ngọc Cục
    Nhưng giáo dân thủ tục chuộc ra
    Hai trăm quan một món quà
    Quân quan bỏ túi dân đà khổ đau

    Cha ở trọ nhà sau ông Thiện
    Và ông Trùm Bảo tiện ngay bên
    Làng Trà Lũ chẳng thể quên
    Ngài đi thăm viếng làng trên đường ngoài

    Ðể gặp gỡ hai ngài Linh mục
    Cha Thản, Vinh cầu chúc cho nhau
    Tới Ngưỡng Nhân, chúng theo sau
    Vây nhà chúng bắt hùa nhau đuổi ngài

    Cha Thản, Vinh không ai bị bắt
    Riêng Cha Trạch trục trặc yếu chân
    Lính vây phút chốc lại gần
    Bắt Cha dẫn giải quan quân Xuân Trường

    Bị tra tấn công đường của huyện
    Sau giải đi trình diện Quang Khanh
    Nơi đây ngục thất đã dành
    Tống giam đạo trưởng lính canh đêm ngày

    Cha Trạch bị đưa ngay vào ngục
    Ngài mừng vui tiếp tục ủi an
    Cho tín hữu cả quân gian
    Nhủ khuyên thống hối theo đàng Kitô

    Quang Khanh biết nhốt vô riêng biệt
    Trong cầu tiêu cho kiệt sức đi
    Trăm roi cho đánh mỗi kỳ
    Bước qua Thánh Giá ta thì tha ngay

    Cha không nói chắp tay quỳ gối
    Hôn Thánh Giá thống hối nguyện rằng
    Ðây là giường Chúa toàn năng
    Hy sinh chuộc tội vĩnh hằng vinh quang

    Bẩm quan tôi sẵn sàng chịu chết
    Trịnh Quang Khanh mất hết lương tri
    Chửi thề thóa mạ tức thì
    Giao cho quân lính dẫn đi hành hình

    Lãnh bản án Triều Ðình Minh Mạng
    Ngài bước đi biệt tạm ba Cha
    Ðể tôi đi trước đó mà
    Pháp Trường Bảy Mẫu bước ra nguyện cầu

    Cha Trạch ngài cúi đầu nhận lãnh
    Nhát gươm thiêng máu Thánh tuôn trào
    Hồng ân Thiên Chúa ban trao
    Chứng nhân trung tín máu đào hiến dâng

    Và thi thể Thánh Nhân an táng
    Ngay tại nơi máu láng pháp trường
    Năm sau giáo hữu mến thương
    Rước về Lạc Thủy nghĩa đường nhà chung

    Phúc tử đạo ung dung Canh Tý (1840)
    Sáu mươi năm sắc chỉ Giáo Hoàng (Lêô XIII)
    Từ Roma được gởi sang
    Suy tôn Canh Tý (1900) Thiên đàng dành cho

    Lời bất hủ: Quan hứa sẽ trả tự do nếu cha bước qua Thanh giá. Cha Ðaminh Trạch không trả lời ngay, tự động quỳ xuống hôn kính Thánh giá rồi quay về phía quan và nói: “Thưa quan, Thánh giá là giường Chúa Kitô nằm chết thay cho nhân loại, nếu quan muốn sự sống đời đời, xin quan kính lạy Thánh giá này. Tôi thà bị chết chứ không bước qua Thánh giá”.
    [youtube https://www.youtube.com/watch?v=7IKBk9TdrMI]

    Hot Topics

    Related Articles